Mô hình nuôi dê lai hướng thịt: Phù hợp với chương trình dân tộc miền núi

12/09/2023, 14:15

Những năm gần đây, ngành chức năng đã triển khai một số dự án cấp Bộ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số… Trong đó nổi bật có dự án Xây dựng mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai hướng thịt tại Bình Thuận do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh chủ trì triển khai.

Phát triển đàn dê được xác định tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cũng như giải quyết việc làm, qua đó thu hút lực lượng lao động ở nông thôn, miền núi tham gia nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Nhưng thực tế cho thấy, đa số các giống dê mà người dân nuôi hiện nay là dê cỏ hoặc dê Bách Thảo cho năng suất thấp... Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện dự án nuôi và nhân giống dê lai (giữa dê đực giống Boer và dê cái giống Bách Thảo) để cải tạo đàn dê địa phương là rất cần thiết, bởi vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có ý nghĩa khoa học. Đặc biệt dự án rất phù hợp với mục tiêu của chương trình dân tộc và miền núi, đồng thời cũng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.

z4667469904431_8a0a54d2d2eb9c28587013e0aca75af3.jpg
Mô hình nuôi dê phân tán theo dự án.

Từ thực trạng trên, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận xúc tiến nghiên cứu, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây - Viện Chăn nuôi đề xuất triển khai dự án “Xây dựng mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai hướng thịt tại tỉnh Bình Thuận”. Mục tiêu hướng đến là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng dê tại địa phương. Thông qua đó giúp người dân ở vùng nông thôn, miền núi tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật để phát triển nghề chăn nuôi dê, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng triển khai dự án thuộc tỉnh Bình Thuận... Được biết, dự án do Bộ KHCN quản lý, có kinh phí thực hiện khoảng 4,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn khác. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng (dự kiến kết thúc vào tháng 11/2022), tuy nhiên quá trình triển khai do ảnh hưởng dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp nên được gia hạn 12 tháng, kéo dài đến tháng 11/2023.

z4667469885742_5dbed358de7d8b010cf96b40357763c1.jpg
Phối hợp tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình nuôi dê lai.

Theo Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận, dự án này cũng đặt mục tiêu cụ thể: Xây dựng 1 mô hình lai tạo và nuôi tập trung dê lai hướng thịt (quy mô 10 dê đực giống và 90 dê cái giống). Bên cạnh đó thực hiện mô hình trồng cỏ phục vụ chăn nuôi dê quy mô 10.000 m2 tại Khu thực nghiệm Ứng dụng công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận. Tiếp nữa là xây dựng mô hình nuôi dê phân tán tại 20 hộ dân (mỗi mô hình chuồng 30 m2 gồm 1 dê đực, 10 dê cái và trồng 1.000 m2 cỏ), đào tạo 5 kỹ thuật viên có đủ kỹ năng quản lý và làm chủ công nghệ để chuyển giao nhân rộng mô hình. Ngoài ra còn tiếp nhận 10 quy trình kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào nhân giống dê lai và nuôi thương phẩm tại Bình Thuận, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho 200 lượt nông dân về kỹ thuật nuôi dê lai, giới thiệu hiệu quả của mô hình nuôi dê lai để phổ biến nhân rộng...

Đến nay, dự án đã thực hiện các nội dung liên quan, xúc tiến triển khai mô hình đến 20 hộ dân thuộc địa bàn các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như: Sông Bình, Phan Thanh (Bắc Bình), Phong Phú (Tuy Phong). Theo đó, những trường hợp tham gia mô hình được dự án hỗ trợ 1 dê đực giống Boer và 2 dê cái giống Bách Thảo, riêng với hộ dân thì đối ứng 8 dê cái giống Bách Thảo. Mặt khác, đơn vị chuyển giao cũng hướng dẫn cụ thể một số kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân để giúp dê thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên tại địa phương, đảm bảo dê sinh trưởng và phát triển tốt... Trong quá trình triển khai, đơn vị chủ trì còn tiến hành theo dõi, kiểm tra, giám sát định kỳ về việc thực hiện mô hình nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân cũng như có phương án xử lý, hỗ trợ kỹ thuật để góp phần hướng đến thành công chung của dự án.

Trong khuôn khổ dự án, đơn vị chủ trì cũng tổ chức lớp tập huấn, hội thảo tại huyện Bắc Bình và Tuy Phong, giúp cho người dân nơi đây tiếp thu được các quy trình kỹ thuật để áp dụng vào nuôi dê lai. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận cho biết dù dự án còn đang triển khai, chưa kết thúc nhưng nhiều hộ dân đã thấy được hiệu quả của mô hình nên mạnh dạn nhân rộng tại gia đình mình. Bên cạnh đó còn tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, được nhiều hộ dân quan tâm hưởng ứng nên khả năng tiếp tục nhân rộng mô hình sau khi kết thúc dự án là rất cao vì mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân...

Đ.QUỐC

Related articles
Giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thay đổi nhận thức làm chủ cuộc sống
Trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) phát huy vai trò làm chủ cuộc sống, xây dựng lối sống lành mạnh, hướng tới xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình nuôi dê lai hướng thịt: Phù hợp với chương trình dân tộc miền núi