Tai nạn giao thông từ chó thả rông
Sáng ngày 5/3, người đi đường trên quốc lộ 1A, qua khu phố Phú Trường, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc không khỏi lo lắng khi chứng kiến hiện trường vụ tai nạn giao thông (TNGT) do tông phải chó thả rông. Khi đó, ông NTT (ngụ xã Hàm Đức) điều khiển xe mô tô chở vợ phía sau, lưu thông hướng Hàm Đức đi Phan Thiết đã tông phải con chó băng qua đường. Cú va chạm làm 2 vợ chồng ông T té ngã ra đường. Hậu quả 2 vợ chồng ông T bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu. Riêng con chó chết tại hiện trường. Trước đó ngày 17/2, trên quốc lộ 1A, 2 người phụ nữ đi trên xe máy lưu thông hướng Phan Thiết về Bắc Bình, khi đến địa phận xã Hàm Đức cũng tông vào con chó bất ngờ băng ra đường, làm cả 2 té ngã chấn thương khá nặng, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Theo các thành viên của đội xe cứu thương 0 đồng Bình Thuận, đơn vị thường xuyên cấp cứu các trường hợp TNGT, tai nạn lao động… trên địa bàn TP. Phan Thiết và các địa phương lân cận, thời gian gần đây, đội liên tục tiếp nhận hỗ trợ các ca cấp cứu do TNGT từ chó thả rông. Điển hình chỉ trong ngày 15/3, các thành viên đã hỗ trợ cấp cứu cho 3 trường hợp TNGT liên quan đến chó thả rông ở địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và Phan Thiết, làm 3 người bị thương, trong đó có 2 người bị gãy chân. Do vậy, TNGT từ chó thả rông là vấn đề cần báo động thời điểm hiện nay.

Những cái chết đau lòng từ bệnh dại
Không chỉ gây ra TNGT, tình trạng nuôi chó mất kiểm soát dẫn đến bệnh dại cắn người tử vong cũng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo thống kê, trong năm 2024, Bình Thuận là địa phương có số ca mắc bệnh dại cao nhất nước, với 9 ca. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh cũng ghi nhận 4 trường hợp tử vong nghi do bệnh dại. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh dại là các nạn nhân không được tiêm vắc xin phòng dại hoặc không sử dụng huyết thanh kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn, cào. Có lẽ hình ảnh ông NVB (57 tuổi, ngụ xã Hàm Liêm - huyện Hàm Thuận Bắc) quằn quại khi phát bệnh dại đau đớn và tử vong sau đó, trong sự bất lực của cơ quan y tế và người thân, được đăng tải trên mạng xã hội là bài học đau lòng điển hình về bệnh dại. Theo đó, đầu tháng 2/2025, ông B bị chó của hàng xóm cắn vào chân, nhưng không tiêm vắc xin hay huyết thanh kháng dại. Đến ngày 9/4, bệnh dại bắt đầu khởi phát khi tình trạng mệt mỏi, khó thở, kích động, sợ nước, sợ gió, nghẹn và khó nuốt. Người nhà sau đó đưa bệnh nhân đến bệnh viện và được chẩn đoán mắc bệnh dại. Ngày 11/4/2025, bệnh trở nặng và gia đình xin cho bệnh nhân về nhà và tử vong sau đó.
Có thể nói, từ lâu chó là vật nuôi quen thuộc của nhiều gia đình, bởi là con vật gần gũi với chủ nhà, phục vụ cho việc làm bạn, giữ nhà. Tuy nhiên việc nuôi chó không đi kèm trách nhiệm với cộng đồng, khi không tiêm phòng ngừa dại cho vật nuôi, cũng như rọ mõm, xích, nhốt theo quy định sẽ là nguy cơ lây lan dịch bệnh, TNGT, tấn công người… Hiện nay nhiều người dân đã bỏ thói quen ăn thịt chó, giảm nuôi chó nên nhiều hộ gia đình nuôi chó không kiểm soát, chó đẻ con xong đem vứt bỏ ngoài đường, dẫn đến phát sinh chó hoang khá nhiều...
Để nuôi chó không trở thành mối hiểm họa, mỗi người dân cần có trách nhiệm trong việc nuôi và quản lý chó. Chủ nuôi cần có ý thức trong việc xích, rọ mõm chó khi ra đường, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, không để chó thả rông. Chính quyền địa phương cũng cần áp dụng nghiêm các quy định xử phạt vi phạm để răn đe và tổ chức bắt giữ chó thả rông nơi công cộng, để nâng cao ý thức của chủ vật nuôi, nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng…