Cần có cái nhìn toàn diện hơn về VNen

06/10/2016, 10:36

BT - Tại TP. Phan Thiết, Trường tiểu học Tiến Lợi đưa vào dạy thí điểm mô hình trường học mới từ năm 2012 - 2013, Trường tiểu học Hưng Long 1 mở rộng theo dự án tham gia từ năm học 2013 - 2014. Năm học 2014 - 2015, Phòng Giáo dục Phan Thiết nhân rộng mô hình trường học mới thêm 3 trường: tiểu học Bắc Phan Thiết, tiểu học Phú Trinh 1, tiểu học Mũi Né 4. Năm học 2016 - 2017, tiếp tục phát triển 3 trường: tiểu học Bình Hưng, tiểu học Hưng Long 2 và tiểu học Mũi Né 1. Như vậy, đến nay toàn thành phố có 8 trường dạy học theo mô hình trường học mới. Số trường còn lại vận dụng một số nội dung của mô hình VNen như trang trí lớp học, cách học nhóm.

Sau một thời gian triển khai, bước đầu đã thu được một số kết quả khả quan: Các em đã trưởng thành hơn rất nhiều, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tự tin khi trình bày ý kiến trước tập thể và đặc biệt là các em đã có khả năng tự học, hợp tác cao. Kỹ năng đọc hiểu, viết, diễn đạt rõ ý được rèn luyện thường xuyên nên các em đã có tiến bộ nhiều trong học tập, trong giao tiếp. Các em biết tự đánh giá mình, đánh giá bạn; biết tự quản, giao việc cho nhau ở các tiết tự học.

 Ngoài ra, các em biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn của cuộc sống qua việc thực hiện các hoạt động ứng dụng. Biết cách tìm kiếm thông tin, nhờ sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng để mở mang kiến thức. Trong thời gian ở nhà, nhiều em đã dần hình thành được kỹ năng tự học, xây dựng nhiều thói quen tốt trong sinh hoạt.

Các thầy, cô giáo viên dạy các lớp theo mô hình trường học mới được được trang bị và trau dồi nhiều hơn về kỹ năng sư phạm và kiến thức chuyên môn; luôn đổi mới, tự tin hơn trong từng tiết dạy, qua đó hiểu được học sinh đang gặp khó khăn gì trong quá trình tiếp thu kiến thức, từ đó điều chỉnh cách tổ chức học tập hiệu quả hơn. Nhiều phụ huynh thấy được tính ưu việt của mô hình nên rất đồng tình, phấn khởi vì thấy con em mình được học tập năng động, tích cực, tự tin, thoải mái đưa ra ý kiến trao đổi với các bạn trong nhóm, với thầy cô giáo. Bên cạnh đó họ dần hiểu và biết cách hướng dẫn con học tập ở nhà qua hoạt động ứng dụng…

Tuy nhiên, vẫn còn một số phụ huynh học sinh chưa hiểu và hình dung hết tính ưu việt của VNen nên khá thận trọng và tạo sức ép cho Ban giám hiệu cũng như lãnh đạo trong việc phát triển và mở rộng mô hình. Phụ huynh hướng dẫn, quản lý hoạt động ứng dụng chưa được như mong muốn. Ở lớp 1, các em chưa được làm quen với việc tự học theo mô hình VNen, đọc còn chậm nên kỹ năng đọc hiểu yêu cầu của nhiệm vụ và cách thực hiện từng nhiệm vụ còn hạn chế. Vì vậy, khi lên lớp 2, vào các tháng đầu năm học, các em và giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tổ chức lớp học và hướng dẫn nội dung bài học. Ngoài ra, đây là phương pháp tổ chức lớp học mới, kinh nghiệm dạy của các giáo viên chưa phong phú nên đôi lúc giáo viên còn lúng túng, chưa mạnh dạn điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Nhiều giáo viên tham gia giảng dạy các lớp VNen cho biết: “Do sĩ số lớp đông, lại chia thành nhiều nhóm nên giáo viên rất vất vả vì phải hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra nhiều lượt trong từng hoạt động học tập của học sinh khi nghiệm thu đánh giá kết quả học của các nhóm. Bên cạnh đó hiệu quả tiết học phụ thuộc nhiều vào khả năng điều hành nhóm của nhóm trưởng; ý thức học tập, tính tự giác của các thành viên trong nhóm; tốc độ và hiệu quả làm việc của các nhóm không đồng đều nên một số tiết học không đảm bảo về thời gian…”.

Để mô hình VNen đạt hiệu quả cao, đòi hỏi các trường cần khắc phục khó khăn, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện, tạo sự đồng thuận trong giáo viên, phụ huynh và học sinh nhằm từng bước đổi mới toàn diện nền giáo dục.

Trung Kiên


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có cái nhìn toàn diện hơn về VNen