Việc khó quá, bỏ qua được không? Bài 2: Khi doanh nghiệp, người dân thắng kiện

19/08/2024, 08:37

BTO-Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các án hành chính đã có hiệu lực thi hành.

Tránh tình trạng bên thắng kiện là nhà nước thì thi hành rất nhanh, trong khi bên thắng kiện là doanh nghiệp, người dân thì lại làm chậm. Như thế, sẽ gây ra sự không công bằng.

Tồn đọng thi hành án hành chính

Cuối tháng 7/2024, UBND thành phố Phan Thiết đã có văn bản báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận về khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành các Bản án hành chính liên quan đến việc chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. Theo đó, Phan Thiết nhấn mạnh sự chưa hợp lý đang diễn ra là phán quyết của tòa án sơ thẩm, phúc thẩm, đều tuyên buộc UBND thành phố Phan Thiết phải thực hiện đối với các bản án có nội dung như trên. Tuy nhiên, căn cứ theo các quyết định ban hành năm 2006 như Quyết định số 1566/QĐ-UBND, Quyết định số 1884/QĐ-UBND và Quyết định số 5290/QĐ-UBBT ngày 23/12/2004 thì Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận (trung tâm) vừa là chủ đầu tư dự án Xây dựng công trình đường và sử dụng quỹ đất 02 bên đường ĐT.706B, dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Hùng Vương 2 (giai đoạn 2A) và dự án Khu dân cư Hùng Vương giai đoạn II; đồng thời là cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

dji_fly_20240217_120122_286_1708146427190_photo_optimized.jpg
Đường Võ Nguyên Giáp (706B) Phan Thiết

UBND thành phố Phan Thiết cho rằng, lúc đó, các đương sự (hộ dân) thống nhất với quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ; thời hạn giao quyết định phê duyệt bồi thường để trung tâm thực hiện nhiệm vụ chi trả tiền đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trung tâm không thực hiện đúng việc thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ... theo các quyết định phê duyệt của UBND thành phố Phan Thiết. Từ đó, trung tâm phải là người bị kiện và phải có nghĩa vụ thanh toán thêm khoản tiền chậm thanh toán cho người bị thu hồi đất theo khoản 2 Điều 93 Luật Đất đai. Thế nhưng, thực tế các tòa án xác định đơn vị ra quyết định thu hồi đất là người bị kiện, thành ra UBND thành phố Phan Thiết là người bị kiện và buộc phải thanh toán thêm khoản tiền lãi phát sinh do chậm chi trả cho người bị thu hồi đất. Vì sự lệch pha này dẫn đến UBND thành phố Phan Thiết không thể thi hành được bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Do đó, UBND thành phố Phan Thiết báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận xem xét, kiến nghị đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với các vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thể thi hành được, do xác định không đúng người bị kiện.

20190315_170816.jpg
Khu dân cư Hùng Vương II, Phan Thiết

Đây là một nguyên nhân khó giải quyết, mất nhiều thời gian trong rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh chậm, tồn đọng từ các năm qua với con số 106 bản án(tính đến 31/3/2024). Nói khó giải quyết, vì sau khi UBND tỉnh có công văn về tăng cường thực hiện và báo cáo tình hình thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh vào tháng 1/2024, thì vài tháng sau đã có 28 án hành chính được thi hành xong và các án còn lại cũng đã được phân hóa lý do, tìm giải pháp như tình huống trên của Phan Thiết. 78 án còn lại đó thì tập trung tại Phan Thiết với 42 bản án và án liên quan đến kinh phí để thi hành chiếm 36 bản án chủ yếu xoay quanh đường 706B, dự án khu dân cư Hùng Vương.

dji_fly_20240220_093814_292_1708396856852_photo_optimized.jpg
Đường Võ Nguyên Giáp (706B) Phan Thiết
dji_fly_20240220_093818_293_1708396931118_photo_optimized.jpg
Đường Võ Nguyên Giáp (706B) Phan Thiết

Đến tháng 6/2024, con số án hành chính chưa thi hành trên đã tăng lên 156 án, theo số liệu của Cục Thi hành án dân sự (THADS) Bình Thuận. Nhận định của đơn vị này rằng Bình Thuận là địa phương có lượng án hành chính khá nhiều, nội dung các vụ việc khá phức tạp vì liên quan đến chính sách về đất đai như thu hồi, giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...khiến thủ tục giải quyết phải qua nhiều bước và liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành nên thời gian thi hành án thường phải kéo dài. Đồng thời cũng phân tích, việc thực thi trên thực tế theo quyết định của tòa án có không ít trường hợp là rất khó khăn do hiện trạng quản lý và sử dụng đất đã biến động nhiều hoặc địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người được thi hành án theo bản án.

Phải công bằng giữa các chủ thể trước pháp luật

Bên cạnh nhận định trên, THADS Bình Thuận cũng đưa ra nguyên nhân của vấn đề tồn đọng thi hành án hành chính. Đó là hầu hết các vụ án hành chính, người phải thi hành án là UBND hoặc chủ tịch UBND các cấp nên cơ quan thi hành án nói chung và chấp hành viên trực tiếp theo dõi thi hành án hành chính nói riêng còn nể nang, chưa cương quyết trong việc đôn đốc thi hành án hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với việc chậm thi hành án, không thi hành án. Bên cạnh, có trường hợp cơ quan, tổ chức phải thi hành án hành chính chưa nghiên cứu kỹ quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thi hành án và các nội dung khác quy định tại Luật Tổ chức hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nên dẫn tới lúng túng trong quá trình thi hành án…

Những nguyên nhân trên khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện 6 không mà một đại biểu HĐND tỉnh có ý kiến tại nghị trường giữa tháng 7 rồi. “Vừa qua, chúng tôi giám sát chuyên đề về công tác xét xử các vụ án dân sự, hành chính đối với Tòa án 2 cấp trong tỉnh. Nhiều anh em thẩm phán bức xúc trước tình trạng “Người bị kiện” thực hiện 6 không trong tham gia xét xử, giải quyết án hành chính. Đó là không tham gia đối thoại, xét xử; không kháng cáo; không cung cấp tài liệu, chứng cứ; khi tòa có văn bản yêu cầu không trả lời; không thực hiện bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật và cuối cùng là không bị kỷ luật.” – vị này nói.

dscn4131.jpg
Khu dân cư Hùng Vương II, Phan Thiết

Thực tế, tại điều 20 đến điều 26 của Nghị định số 71/2016 có nêu mức xử lý kỷ luật công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính theo tính chất, mức độ khác nhau.Tuy nhiên, tại tỉnh chưa có vụ kỷ luật nào xung quanh việc thi hành án hành chính. Vì hiện tại có những ý kiến về việc lãnh đạo ủy ban các cấp không có thời gian để hầu tòa cho tất cả các vụ việc, khi theo thời gian án hành chính tăng, khi việc điều hành phát triển kinh tế xã hội đã chiếm gần hết thời gian thì nói chi đến chuyện thi hành án. Và cũng cần ghi nhận, từ năm 2021 đến nay, với sự sắp xếp, UBND các cấp đã thi hành xong 103 án hành chính.

Trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh thông tin Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có kiến nghị về vi phạm trong thi hành án hành chính tại tỉnh. Đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các án hành chính đã có hiệu lực thi hành. Tránh tình trạng bên thắng kiện là nhà nước thì thi hành rất nhanh, trong khi bên thắng kiện là doanh nghiệp, người dân thì lại làm chậm. Như thế, sẽ gây ra sự không công bằng giữa các chủ thể trước pháp luật.

_lan0032.jpg
Khu dân cư Hùng Vương II, Phan Thiết

Với sự tác động từ nhiều phía, việc thi hành án hành chính chậm trên địa bàn tỉnh đã và đang cải thiện dần. Nhưng đó là với những án có nguyên nhân xuất phát từ sự bận bịu từ cán bộ, công chức hoặc còn vận dụng được quy định hiện hành. Riêng với những án liên quan đến kinh phí, hầu hết trên địa bàn thành phố Phan Thiết đều thuộc các dự án đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019 và đã được quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Ngoài ra, có trường hợp không lập dự án mà chỉ thực hiện theo các quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất từ các năm trước đây (trước thời điểm ban hành Luật Đầu tư công) nên không thuộc đối tượng đầu tư công theo quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công năm 2019 và cũng không thể bố trí vốn từ nguồn vốn đầu tư công.

untitled_1.1.22.jpg
Khu dân cư Hùng Vương II, Phan Thiết

Vậy bỏ qua hay giải quyết theo hướng nào, khi giải pháp của vấn đề mà các sở, ngành liên quan xới lên lúc này về câu chuyện dài hơi trong thu hút đầu tư khu vực đó, về thành lập quỹ phát triển đất…mới có thể chi tiền đúng quy định để thi hành những án này?

Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được xác định thành một mục riêng trong tổng vốn đầu tư của dự án.Tiếp đến, Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, tại điểm a, khoản 2, Điều 32 thì kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào kinh phí thực hiện dự án đầu tư.

Bài 1: Bỏ thì thương, vương thì… có tội

Bài 3: Sàng lọc dự án để thu hút đầu tư chất lượng

Bài 4: Sức mạnh của cộng đồng trách nhiệm

BÍCH NGHỊ

Related articles
Cơ quan CSĐT tiếp nhận kiến nghị khởi tố sai phạm đất đai xảy ra tại huyện Hàm Tân
BTO-Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã có văn bản tiếp nhận kiến nghị khởi tố của Sở Tài nguyên và Môi trường.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc khó quá, bỏ qua được không? Bài 2: Khi doanh nghiệp, người dân thắng kiện