Chuyển tuyến kịp thời ca sốc nặng
Bình Thuận ghi nhận 552 ca mắc SXH xuất hiện 9 huyện, thị, thành phố, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 (692 ca), không có trường hợp tử vong. Trong đó, số ca diễn biến nặng 25 ca, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm 2021 - 18 ca. Ca bệnh và ổ dịch xuất hiện nhiều tại Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc. Riêng huyện Phú Quý chưa ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào. Mặc dù số ca nhiễm bệnh giảm so với cùng kỳ, nhưng số ca nhập viện, ca chuyển nặng thì tăng.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận điều trị 89 ca, trong đó có 5 ca sốc nặng phải chuyển lên tuyến trên. Riêng tháng 5/2022, Khoa Nhi của bệnh viện này tiếp nhận 32 trẻ nhập viện để điều trị SXH, tăng hơn so với các tháng trước. Chị Trần Thị Nga (Phan Thiết) có con đang điều trị bệnh SXH tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết: Trước khi nhập viện, bé ở nhà sốt, được uống thuốc hạ sốt, nhưng cơn sốt kéo dài, không ngắt. Gia đình đưa bé đến bệnh viện, thì bác sĩ chẩn đoán bệnh SXH. Các thành viên trong gia đình đều ngủ mùng vào buổi tối. Có lẽ, bé bị muỗi đốt vào ban ngày.
Tại Bệnh viện đa khoa An Phước, số lượng ca SXH dương tính từ 1/1 - 8/6 được tiếp nhận là 236 ca. Trong số đó, có vài ca từ các huyện chuyển đến, trong tình trạng choáng. Ê kíp bác sĩ kịp thời hội chẩn, bơm tiêm điện và chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2. Cùng thời gian trên, các bệnh viện, trung tâm y tế khác ở trong tỉnh cũng tiếp nhận điều trị hàng chục ca mắc SXH mỗi đơn vị. Trẻ nhập viện phổ biến trong tình trạng sốt cao từ 39- 40 độ, kéo dài.
Phòng bệnh sớm
Năm 2022 là chu kỳ gia tăng trở lại của bệnh SXH ở nhiều địa phương, Bình Thuận không nằm ngoại lệ trong trường hợp này. Bệnh SXH tại Bình Thuận tăng theo chu kỳ dịch, cứ cách 3 - 4 năm thì có 1 năm tăng đột biến. Giai đoạn cao điểm của dịch SXH từ tháng 7 - 10 hàng năm, đặc biệt là tháng 9 và 10. Tuy nhiên, năm nay, số ca mắc mới có xu hướng tăng nhanh từ sớm. Nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng là sự biến đổi khí hậu thời tiết, mưa nắng bất thường là những yếu tố thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH phát sinh.
Thêm vào đó, người dân có thói quen chứa nước mưa trong các dụng cụ chứa nước lớn để phục vụ sinh hoạt vào mùa khô. Mặt khác, một số người dân chưa thực hiện tốt vệ sinh môi trường tại gia đình, như dụng cụ chứa nước không thường xuyên xúc rửa, không đậy kín tạo nguồn sinh sản và phát triển cho muỗi. Đó là thông tin từ bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế.
Theo bác sĩ Hồng, để hạn chế số ca mắc và tử vong, các gia đình vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát mật độ lăng quăng, muỗi có cách diệt phù hợp; phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Người dân chủ động diệt lăng quăng, muỗi: lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, ngủ mùng, xoa kem xua muỗi để chống muỗi đốt. Các cơ sở điều trị phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Các bác sĩ tại các bệnh viện khuyến cáo: Phụ huynh cần chú ý, quan sát kỹ các biểu hiện của trẻ. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2 - 3 ngày, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chỉ định xét nghiệm chẩn đoán SXH Dengue sớm; không nên tự ý điều trị tại nhà. Đây là thời điểm nguy hiểm của bệnh vì có thể xuất hiện các biến chứng nặng.