Nguy cơ gia tăng sốt xuất huyết

26/01/2021, 09:37

BT- Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm 2020 giảm nhiều, nhưng bệnh có chiều hướng gia tăng vào tháng cuối của năm. Điều này báo hiệu số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng ở những tháng đầu năm 2021.

                
      
         Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra mật độ    lăng quăng, muỗi truyền bệnh SXH tại nhà dân.

Tăng cuối năm

Năm 2020, số ca mắc SXH là 2.401 ca và 232 ổ dịch, giảm 2,7 lần so cùng kỳ năm 2019  -  6.476 ca; không ghi nhận trường hợp tử vong. Mặc dù số ca mắc SXH năm 2020 giảm sâu, nhưng 108 ca sốc nặng, tăng 18 ca so năm 2019. Tỷ lệ mắc/100.000 dân năm 2020 là 194,5 ca, nghĩa là cứ 100.000 người dân thì có 194 người mắc SXH. Số mắc tập trung nhiều ở các huyện như Đức Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh. Riêng huyện đảo Phú Quý có số ca mắc bệnh thấp nhất tỉnh, duy nhất 1 ca, giảm 99 lần so năm 2019 – 100 ca mắc.

Với những dấu hiệu không khác, bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp được ký hiệu D1, D2, D3, D4. Năm 2020, phần lớn người bệnh tại tỉnh mắc SXH tuýp D2, chiếm tỷ lệ 63,3%, cao hơn so với tuýp D1 và D4, nhưng không ghi nhận tuýp D3. Số bệnh nhân mắc SXH rải đều ở các nhóm tuổi. Tuy nhiên, tháng 12/2020, số ca SXH của toàn tỉnh lại tăng 40,8% so tháng trước, với 370 trường hợp. Theo đó, số ổ dịch là 37 ca, cũng tăng theo tỷ lệ thuận số ca mắc. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục theo chiều hướng gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

 Do nhiều lăng quăng

Mỗi năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện các đợt điều tra tìm ổ lăng quăng và nguồn phát sinh bệnh. Đặc điểm chung, ổ lăng quăng trong dụng cụ chứa nước lu, mái, chum, vật phế thải quanh nhà… Đó là tác nhân truyền bệnh SXH và tạo thành ổ dịch. Do khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô, người dân một số xã trữ nước mưa, mà không đậy kín tạo điều kiện tốt cho lăng quăng sinh sôi, muỗi phát triển. Bên cạnh đó, các vật phế thải quanh nhà ứ đọng nước mưa, không được dọn sạch. Từ đó cho thấy, nguồn truyền bệnh SXH  ở ngay trong nhà người dân, môi trường sống hàng ngày. Mặc dù công tác tuyên truyền, phòng bệnh được phổ biến trong cộng đồng rất nhiều, nhưng các ổ lăng quăng nguồn vẫn loanh quanh trú ngụ trong mỗi gia đình. Như vậy, thói quen phòng bệnh của người dân chưa thay đổi. Hay nói cách khác, người dân chưa hoàn toàn tuân thủ về nguyên tắc phòng ngừa bệnh SXH.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các biện pháp phòng bệnh SXH không khó, rất dễ làm mỗi ngày. Bằng cách thay đổi thói quen, cách sinh hoạt, chẳng hạn ngủ mùng; xoa kem xua muỗi; đậy nắp kín lu, chum chứa nước; thường xuyên cọ rửa; dọn dẹp vật phế thải quanh nhà… Một hành động nhỏ nhưng có thể phòng được bệnh, tránh nguy cơ tử vong. Thêm vào đó, trung tâm khuyến cáo người dân khi phát hiện người thân có biểu hiện sốt cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Bởi nhiều người lầm tưởng SXH với bệnh cảm cúm, nên tự mua thuốc tại các quầy thuốc điều trị. Đến khi bệnh gây các biến chứng nhanh ảnh hưởng đến tính mạng thì mới đến bệnh viện, điều này sẽ gây khó khăn cho việc điều trị, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong.

Trang Minh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ gia tăng sốt xuất huyết