“Bệnh SXH lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi, đồ dùng và đốt mạnh nhất là vào sáng sớm, chiều tối...”. Những thông tin trên được phát liên tục trên hệ thống loa của UBND xã Mương Mán vào các ngày trong tuần, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng bệnh.
Đang đậy và cất bớt những đồ dùng đựng nước không cần thiết sau mấy ngày mưa đọng, chị Hoa, thôn Đằng Thành, xã Mương Mán cho biết, nghe thông tin SXH là bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Nhiều trường hợp mắc bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần và có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, nhà có con nhỏ tôi cứ phải chủ động dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Khu đất bên hiên cũng vừa được vợ chồng phát dọn không để muỗi trú ẩn và sinh sản.
Tâm lý lo lắng của nhiều người dân ở đây cũng là điều dễ hiểu, bởi số ca mắc SXH tại nhiều địa phương trên cả nước đang có xu hướng gia tăng. Mấy năm trước, Mương Mán là địa bàn có số ca mắc SXH cao nhất huyện Hàm Thuận Nam. Thêm nữa dịch Covid-19 hiện vẫn còn những diễn biến khó lường và 2 bệnh truyền nhiễm này có các biểu hiện ban đầu giống nhau, dễ gây nhầm lẫn như biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.
Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó trưởng Trạm y tế xã Mương Mán cho biết: 2 bệnh trên có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra SXH điển hình có biểu hiện da sung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất khứu giác… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.
Mặc dù 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn chưa ghi nhận ca bệnh mắc SXH, nhưng ngành y tế địa phương không lơ là, chủ quan mà luôn chủ động tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh môi trường tại nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người. Bệnh SXH trước đây chỉ thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi giờ đây người lớn cũng có thể mắc bệnh. Muỗi vằn là nguyên nhân chính lây truyền bệnh, thường đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước sạch và nơi nước đọng ở lốp xe, chậu cây cảnh, dụng cụ phế thải quanh nhà, vì thế bà con phải làm sạch, đậy kín các vật dụng trên.
Để chủ động sớm trong phòng, chống dịch bệnh SXH, giảm tỷ lệ mắc và khống chế kịp thời dịch bệnh, UBND xã Mương Mán đã chỉ đạo các đoàn thể tại địa phương tổ chức lực lượng ra quân dọn vệ sinh môi trường, đường sá, mương thoát nước, cống rãnh, không để muỗi, bọ gậy có nơi sinh sống, phát triển. Tập trung thực hiện truyền thông giáo dục, vệ sinh môi trường, phát động phong trào diệt lăng quăng, bọ gậy. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống SXH để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.