Tuy Phong: Các hợp tác xã “chuyển mình” từ ứng dụng công nghệ cao

08/11/2024, 19:29

BTO-Kinh tế tập thể tại huyện Tuy Phong đang khởi sắc với những hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại lợi nhuận bền vững. Dù còn đối mặt nhiều thách thức, sự hỗ trợ từ chính quyền và các chính sách ưu đãi đã thúc đẩy các HTX phát triển, tạo động lực cho nông dân vươn lên.

Tăng cường hiệu quả hoạt động, đổi mới sản xuất

Toàn huyện Tuy Phong hiện có 18 tổ hợp tác (THT), trong đó có 10 tổ hợp tác cây lúa và 8 tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả với 1.168 thành viên các tổ hợp tác. Các THT chủ yếu hỗ trợ nhau trong việc tổ chức sản xuất như thủy nông nội đồng, điều hành sản xuất, làm trung gian giữa nông dân với nhà nước và các đơn vị có liên quan. Một số THT huy động góp vốn xoay vòng và cho vay không lãi suất để giúp các thành viên khó khăn. Địa phương thường xuyên quan tâm duy trì hỗ trợ các HTX hoạt động hiệu quả, thành lập mới các HTX cũng như rà soát và giải thể các HTX hoạt động kém hiệu quả. Toàn huyện có 21 HTX, hiện nay có 16 HTX đang hoạt động tích cực, trong đó một số HTX thành lập mới, kiện toàn tạo lợi nhuận khả quan.

Theo ông Võ Đức Thuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, với sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao từ Thường trực Huyện ủy và UBND huyện các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế tập thể, HTX. Một số HTX mới thành lập nhưng bước đầu tổ chức hoạt động sản xuất có lợi nhuận khá như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hòa Minh, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thiện An với sản phẩm chủ lực là dưa lưới. Đặc biệt, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phong Phú, dù mới được củng cố, đã nỗ lực vượt khó, đạt được kết quả tích cực trong sản xuất và tiêu thụ táo, nhờ sự hỗ trợ tận tình từ chính quyền xã Phong Phú.

Sản phẩm dưa lưới của HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiện An

Điểm sáng nổi bật, có thể kể đến các HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp gồm 13 HTX với 1.078 thành viên. Hầu hết các HTX thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống, vật tư, phân bón, thủy nông và làm các dịch vụ cày trục, thu hoạch, bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản lúa với diện tích 451 ha chủ yếu ở các HTX Long Điền 1, Long Điền 2, Lạ Trị, Phước Thể, Long Hương, năng suất bình quân đạt 7,2 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 24,6 triệu đồng; tiêu thụ các sản phẩm trái cây nho, táo, thanh long… Một số HTX nông nghiệp có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất đối với cây lúa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Đơn cử như HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiện An sản xuất dưa lưới trên diện tích 2,5 ha, lợi nhuận bình quân 500 triệu đồng/ha, đầu ra tiêu thụ ổn định. Hay HTX nông nghiệp công nghệ cao Hòa Minh sản xuất dưa lưới trên diện tích 2 ha, lợi nhuận bình quân 400 triệu đồng/ha/năm thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía bắc. Ngoài ra, còn sản xuất 2 ha táo, 1 ha đang đào ao nuôi cá. Bên cạnh đó, các HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Long Điền 1, HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Lạc Trị tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, liên kết với các doanh nghiệp về bao tiêu sản phẩm lúa thương phẩm của các thành viên; cung ứng phân, thuốc. Từ đó, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định, có thu nhập cho các thành viên, thể hiện được vai trò quan trọng của kinh tế tập thể đối với các hộ gia đình thành viên…

Thâm canh táo đạt tiêu chuẩn VietGAP

Chính sách hỗ trợ “đòn bẩy” phát triển HTX

Theo chia sẻ của các HTX, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển mô hình kinh tế HTX. Trong đó, đối với các HTX mới thành lập chủ yếu hoạt động trên diện tích đất của các thành viên HTX, hoặc đất thuê của các hộ dân, HTX chưa được nhà nước cho thuê đất do thủ tục hồ sơ về đầu tư, thuê đất còn nhiều khó khăn phức tạp. Mặt khác, các HTX hoạt động hiện chỉ tập trung đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng… còn các dịch vụ quan trọng khác như: Đầu tư bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân chưa đáp ứng. Từ đó, chưa hỗ trợ cho việc tăng sản lương giá trị nông sản trong sản xuất nông nghiệp.

Tổ hợp tác trồng nho xã Phước Thể

Để khắc phục những khó khăn này, địa phương đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ trung ương và tỉnh hỗ trợ phát triển kinh tế HTX. Địa phương tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX. UBND huyện đã đăng ký với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã thống nhất hỗ trợ thực hiện vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM 1 tỷ đồng để xây dựng nhà kho cho HTX nông nghiệp Lạc Trị. Đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37 ngày 17/7/2024 thông qua danh mục và mức vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện các chương trình, chuyên đề trong chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, UBND huyện đã thực hiện chính sách như hỗ trợ nông dân, các thành viên của HTX thực hiện các mô hình trồng lúa với kinh phí 2.436 triệu đồng/188,4 ha từ nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương sản xuất đất lúa năm 2024 theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP…

Đến nay, huyện đã công nhận 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm: sản phẩm táo, nho Hồng Nhật, rượu vang thanh long Pitayyana 14% Vol và rượu vang thanh long Pitayyana và nước mắm cá cơm thượng hạng nguyên liệu thuần khiết 32 độ đạm, thuộc thương hiệu Nước mắm Hoàng Gia góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu địa phương.

THANH DUYÊN

Related articles
Hợp tác xã thanh long Hiệp Tiến: 
     Vững tâm đầu tư cho cây thanh long
BTO - Được thành lập từ năm 2020 với 10 thành viên tham gia hoạt động ổn định cho đến nay, Hợp tác xã thanh long Hiệp Tiến (thôn Hiệp Tiến, xã Tân Tiến, thị xã Lagi) được đánh giá hoạt động khá hiệu quả trong các hợp tác xã tại đây.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Các hợp tác xã “chuyển mình” từ ứng dụng công nghệ cao