Lớp học có 22 học viên là con em đồng bào Chăm trên địa bàn xã. Trong 15 ngày (từ 17 - 31/05/2024), học viên sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn kiến thức cơ bản, thực hành, biểu diễn trên trống Ginăng, kèn Saranai… Đây là một nội dung trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Nhạc cụ truyền thống Chăm có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm. Tuy nhiên, loại hình nhạc cụ lại là một bộ môn rất khó truyền tải, đòi hỏi người tham gia học phải có năng khiếu âm nhạc và niềm đam mê vô tận đối với loại hình này. Vì thế theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lạc Đỗ Tấn Thông: Sau lớp truyền dạy này sẽ có những lực lượng nghệ nhân trẻ kế thừa chơi các nhạc cụ truyền thống, không chỉ phục vụ sinh hoạt văn hóa của dân tộc mà còn cùng địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chăm, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Theo kế hoạch, năm 2024, Bảo tàng tỉnh mở 6 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống của người Chăm ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong.