Hỗ trợ vốn để nông dân mở rộng sản xuất và chăn nuôi
Quỹ hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) là hình thức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế nhằm nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng cao.

Để nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh tăng trưởng đạt kết quả cao, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động vận động, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND và xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu vận động cho các cấp Hội ngay từ đầu năm, hàng quý trích phí tăng nguồn vốn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng tích cực triển khai công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nguồn Quỹ HTND. Chính vì thế nguồn vốn Quỹ HTND ngày càng lớn mạnh đã giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân trên địa bàn ngày càng trở nên thuận lợi. Thông qua sự trợ lực từ Quỹ HTND các cấp, hàng ngàn hộ hội viên, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại giá trị và lợi nhuận cao. Qua đó, các mô hình, dự án từ nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.
Chỉ tính trong năm 2024 vừa qua, Quỹ HTND các cấp tăng trưởng 5.432 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý đạt trên 53.479 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, hàng năm, các cấp Hội đã kịp thời tiến hành phê duyệt, giải ngân vốn vay để hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hàng năm, các cấp Hội còn phê duyệt, tổ chức giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND để kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm cũng như thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương ngày càng phát triển. Hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế và đạt lợi nhuận cao, góp phần giải quyết việc làm, từng bước ổn định đời sống cho các hộ hội viên, nông dân…
Tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế
Tại Hội nghị đối thoại với nông dân được tổ chức mới đây với chủ đề: Khơi dậy khát vọng làm giàu để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quan tâm và chú trọng vào công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông sản. Tập trung giải quyết các cơ chế, chính sách về vốn tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời có các giải pháp tập trung mở cửa thị trường nông sản, nhất là thị trường thực phẩm Halal, ưu tiên xây dựng thương hiệu nông sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp, đồng thời tăng cường đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn trong sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện nay để khơi thông nguồn lực của người nông dân để xây dựng thành công nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tập trung ưu tiên hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả. Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững. Có các giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học tại các ngư trường, tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ Thẻ vàng trong năm 2025, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân, tăng cường phổ biến thông tin về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn sâu rộng để người nông dân nắm bắt, vận dụng các chính sách đất đai mới này để phát triển kinh tế gia đình, kinh tế nông thôn…