Ngay khách sạn của anh trong kỳ nghỉ lễ này doanh thu thấp hơn một nửa so với năm ngoái bởi lượng khách đến ít và ngày lưu trú cũng ít hơn.
Mang câu chuyện này tôi hỏi đồng nghiệp ở Báo Bà Rịa – Vũng Tàu được biết, những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay khách du lịch đến với Vũng Tàu ít hơn hẳn so với mọi năm, họ đã đổ dồn về Bình Thuận bởi tuyến đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh về TP. Phan Thiết chỉ hơn 2 giờ đồng hồ, trong khi đó với quãng đường từ TP. Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu cách khoảng hơn 100 km nhưng thời gian di chuyển trung bình từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ, những ngày lễ kẹt xe phải mất từ 3 - 4 tiếng đồng hồ. Và lại biển Phan Thiết sạch và đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hải sản lại tươi ngon có khi còn hơn cả Vũng Tàu nên du khách đã chọn điểm đến Phan Thiết trong kỳ nghỉ vừa qua. Trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 29/4 đến 3/5/2023), du khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu tham quan, lưu trú tăng 46,1% so với năm 2022, trong khi đó lượng khách du lịch đến với Bình Thuận tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2022. Ở Vũng Tàu khách đến du lịch chủ yếu nhỏ lẻ, đi bằng xe máy, đồ ăn mang sẵn và chủ yếu ngủ lều dã ngoại nên dịch vụ cũng thu thấp hơn mọi năm. Còn Bình Thuận đa số là khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nam bộ, Hà Nội… khách chủ yếu ở khách sạn và dùng dịch vụ.
Thực tế cho thấy, dịp lễ năm nay cùng lúc với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe nên du khách đã đến Bình Thuận nhiều hơn mọi năm. Bởi lẽ hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ đã giúp du lịch Bình Thuận trở thành tâm điểm đầu tư với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng đang được triển khai. Làn sóng rót vốn các dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước khiến bộ mặt địa phương thay đổi. Điều mà ai cũng nhận thấy đó là đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99 km, là dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đã chính thức thông xe. Dự án được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đồng bộ, là cú hích cho tỉnh Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, góp phần khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, dự án sân bay quốc tế Phan Thiết đang được thi công, sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị khởi công đã làm thị trường du lịch Bình Thuận sôi động hơn bao giờ hết. Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra trong nhiều năm qua nên nhu cầu của đại đa số khách du lịch đang dần thay đổi. Khách du lịch bắt đầu chọn những điểm đến gần, an toàn, vui khỏe hơn, đồng thời có thể di chuyển thuận tiện bằng các phương tiện cá nhân.
Theo định hướng của tỉnh, trong những năm tiếp theo Bình Thuận sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo như: Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển và thể thao biển... Các sản phẩm quan trọng là du lịch khai thác đặc trưng văn hóa địa phương, du lịch làng chài và các sản phẩm hỗ trợ gồm các loại hình vui chơi giải trí ban đêm, vui chơi giải trí công nghệ cao, mua sắm các sản vật, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ. Quyết tâm làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp cộng hưởng với giao thông đồng bộ, Bình Thuận sẽ tạo niềm tin, thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư xây dựng và phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế cùng các dịch vụ, tiện ích đi kèm…