Thêm 3 khu du lịch ven biển sẽ đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh

28/03/2024, 05:26

Tỉnh Bình Thuận xác định rất rõ tầm quan trọng và vai trò đóng góp của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, từ năm 1995 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển du lịch. Lĩnh vực du lịch cũng được tỉnh xác định từ ngành kinh tế trọng điểm, đến ngành kinh tế mũi nhọn và hiện nay là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bên cạnh nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp năng lượng sạch.

du-lich-co-thach.jpg
Du lịch Cổ Thạch (Ảnh: sưu tầm)

Người dân địa phương rất vui mừng khi kỳ họp thứ 21 (chuyên đề) diễn ra vào ngày 22/3 vừa qua, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua các Nghị quyết nhiệm vụ quy hoạch xây dựng thêm 3 khu du lịch ven biển, có tổng diện tích hơn 5.000 ha, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, khu du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh (huyện Tuy Phong) có quy mô hơn 1.000 ha; khu Tân Thuận - Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) hơn 1.600 ha và khu Tân Thắng - Thắng Hải (huyện Hàm Tân) hơn 2.400 ha. Cả 3 khu được quy hoạch theo hướng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, dân cư với trọng tâm là du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khu quy hoạch du lịch Cổ Thạch – Bình Thạnh, huyện Tuy Phong có bờ biển dài khoảng 17 km, bãi biển thoai thoải, cát mịn, sạch và hoang sơ. Với vị trí địa lý nằm trong xã Bình Thạnh, giữa thị trấn Liên Hương và xã Chí Công là vùng động lực phát triển kinh tế biển của huyện Tuy Phong, là trung tâm tuyến du lịch ven biển Phan Thiết – Nha Trang. Các bãi biển mang vẻ hoang sơ, dân dã có nhiều bãi đá lung linh nhiều sắc màu với kích thước lớn nhỏ xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên và được hình thành từ xa xưa. Khu vực quy hoạch còn có các địa điểm nổi tiếng như: chùa Cổ Thạch, lăng Ông Nam Hải, đền Bình An, các miếu mang đậm yếu tố văn hóa bản địa, khu làng chài của người dân địa phương… Còn khu vực biển Tân Thuận - Tân Thành (Hàm Thuận Nam) có bờ biển khá dài với hình thù kỳ lạ xen kẽ những bãi cát trắng mịn. Ngoài yếu tố thiên nhiên còn có dải bờ biển uốn lượn hình cung tên tuyệt đẹp. Vị thế nơi đây cũng có rất nhiều lợi thế khi hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được triển khai như: Tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết qua Hàm Thuận Nam. Cùng với đó là 2 tuyến đường ven biển được triển khai để phục vụ phát triển du lịch vùng ven biển phía nam Bình Thuận. Đặc biệt là khu du lịch này có mũi Kê Gà với rất nhiều dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng lớn và chuyên sâu về giải trí, thể thao trải nghiệm trên biển và phục vụ các giải thi đấu lớn. Còn Khu du lịch Tân Thắng – Thắng Hải (huyện Hàm Tân) lại có lợi thế cách Sài Gòn chỉ hơn 100 km và rất gần với các trung tâm du lịch lớn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hội tụ nhiều yếu tố tiềm năng để phát triển khu công nghiệp, cảng biển, đặc biệt là du lịch. Có địa thế vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch bởi địa phương này còn nằm trên cung đường ven biển dài khoảng 20 km. Khu vực này nằm trong vùng ngư trường có nhiều bãi cá và nhiều loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, với vùng triều ngập mặn, vùng nước lợ cao, triều lớn nên thủy hải sản khá tập trung và đa dạng. Bờ biển có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, bãi biển có nền cát trắng mịn thuận lợi cho xây dựng bãi tắm, cồn cát ven biển thuận lợi trồng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát tạo ra vùng sinh thái vừa có rừng vừa có biển, là lợi thế đặc thù cho phát triển du lịch và khai thác nguồn lợi kinh tế biển.

Các điểm du lịch này sau khi được quy hoạch sẽ khai thác lợi thế sinh thái biển, cảnh đẹp thiên nhiên và không gian văn hóa sẵn có. Mỗi khu vực còn được xây dựng các công trình dịch vụ, công cộng, như trường học, bệnh viện đa khoa, sân vận động, cung văn hóa, chợ, hệ thống điện, nước sinh hoạt phục vụ dân cư tại chỗ và du khách. Cho tới thời điểm này, tỉnh Bình Thuận có tổng cộng 5 khu du lịch được quy hoạch gồm 3 khu vừa được thông qua còn có Khu du lịch quốc gia Mũi Né và Khu du lịch đảo Phú Quý đã được phê duyệt quy hoạch trước đó. Kỳ vọng các khu du lịch ven biển này hình thành và phát triển sẽ tăng thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp trực tiếp vào GRDP phấn đấu đạt ở mức từ 12 - 13% trong những năm tới. Hiện nay, ngành du lịch của địa phương đã phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân 31,3%/năm, đóng góp khoảng 10% vào GRDP của tỉnh, đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

THANH QUANG

Related articles
Động lực giúp người hoàn lương phát triển kinh tế
Tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn ưu đãi làm ăn, ổn định cuộc sống là chủ trương, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Tại huyện miền núi Đức Linh, chính sách này đang được tích cực triển khai.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm 3 khu du lịch ven biển sẽ đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh