Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, bày tỏ sự đồng thuận với sự cần thiết phải sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo đại biểu, đây là bước đi phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, đồng thời đáp ứng mục tiêu tinh gọn bộ máy tòa án theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính của Đảng.

Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến cũng chỉ ra một số điểm cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng trong hồ sơ dự án luật. Cụ thể, hiện chưa có quy định rõ ràng đối với trường hợp dự án luật không do Chính phủ trình mà do Tòa án nhân dân tối cao trình – như trong trường hợp này – liệu có bắt buộc phải có ý kiến của Chính phủ hay báo cáo tiếp thu, giải trình hay không. Đây là khoảng trống pháp lý cần được quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong quy trình lập pháp.
Đặc biệt, đại biểu tập trung phân tích Điều 4 của dự thảo luật, trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật Phá sản, quy định thẩm quyền giải quyết phá sản thuộc về Tòa án nhân dân khu vực. Theo đại biểu, quy định này chưa phản ánh đầy đủ vai trò của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong xét xử các vụ việc phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong khi đó, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lại chỉ xác định cấp tỉnh có thẩm quyền phúc thẩm nhưng không có tòa chuyên trách phá sản. Sự thiếu thống nhất này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực thi pháp luật và làm giảm hiệu quả giải quyết phá sản – một công cụ quan trọng để giải phóng nguồn lực trong nền kinh tế.
Từ những bất cập nêu trên, Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến đề nghị cần rà soát tổng thể và điều chỉnh đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, không chỉ trong Luật Phá sản mà còn trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật liên quan. Việc này nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Trung ương về cải cách tư pháp, trong đó yêu cầu cải tiến quy trình phá sản theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị tiếp tục rà soát về mặt kỹ thuật lập pháp, nhất là việc thay thế cụm từ “Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp” bằng “Tòa án nhân dân cấp tỉnh” trong các điều khoản liên quan, để bảo đảm sự thống nhất trong toàn hệ thống pháp luật hiện hành.
Tham gia ý kiến về dự án luật này, Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên đồng tình với sự cần thiết sửa đổi và mở rộng thẩm quyền cho Tòa án sơ thẩm khu vực, nhất là trong lĩnh vực dân sự, tố tụng hành chính. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi giao thẩm quyền giải quyết án hành chính – lĩnh vực đặc thù, phức tạp – cho tòa sơ thẩm khu vực, đặc biệt là các khiếu kiện đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao cần có các giải pháp đồng bộ về tổ chức, đội ngũ thẩm phán, công tác đào tạo chuyên môn để đảm bảo chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu khi mở rộng thẩm quyền.