Cần lượng hóa tỷ lệ ứng cử viên dân tộc thiểu số
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận – Bố Thị Xuân Linh đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án luật, thể hiện sự nghiêm túc, công phu và bám sát định hướng từ Hiến pháp năm 2013 cũng như các nghị quyết Trung ương. Đại biểu nhận định, việc sửa đổi các quy định trong luật nhằm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp là cần thiết và đúng hướng. Dự thảo cũng đã điều chỉnh các bước, quy trình trong tổ chức bầu cử để đảm bảo tính khả thi, dân chủ và minh bạch. Đặc biệt, việc đề xuất tổ chức ngày bầu cử sớm hơn – vào ngày 15/3/2026 – được đại biểu đánh giá là hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tiến độ triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới.

Tham gia ý kiến cụ thể về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 9): Dự thảo giữ tỷ lệ tối thiểu 35% là phụ nữ và để mở tỷ lệ người dân tộc thiểu số theo tình hình cụ thể của từng địa phương như quy định của Luật hiện hành. Việc này phù hợp với thực tiễn đa dạng của từng địa phương, tuy nhiên tôi thấy rằng việc không quy định rõ (lượng hóa) ngưỡng tối thiểu rõ ràng tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thể dẫn đến thiếu thống nhất trong thực tiễn triển khai thực hiện, đặc biệt ở những nơi có đông đồng bào dân tộc; do đó đại biểu kiến nghị lên quy định theo hướng lượng hóa mức tối thiếu người dân tộc thiểu số giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ví dụ như: quy định đối với các địa phương có từ 30% dân số là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trong danh sách chính thức không được thấp hơn 20%.
Về thời hạn phân phối phiếu bầu cử (Được quy định tại Điều 23 và Điều 24 dự thảo): Dự thảo rút ngắn thời hạn phân phối phiếu bầu của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh từ 25 ngày còn 17 ngày (Điều 23) và của Ban bầu cử từ 15 ngày còn 13 ngày (Điều 24). Tuy nhiên, theo đại biểu trong điều kiện thực tiễn tại nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, sự thay đổi này có thể làm gia tăng áp lực trong khâu tổ chức, nhất là khi quy trình hiệp thương, in ấn phiếu bầu, phát thẻ cử tri và vận chuyển vẫn còn thủ công. Do đó đại biểu kiến nghị nên giữ nguyên mốc thời gian như luật hiện hành để đảm bảo an toàn, chính xác và khả thi trong tổ chức bầu cử. Trường hợp có nhu cầu rút ngắn, cần phân định theo điều kiện từng vùng và trao thẩm quyền linh hoạt cho Hội đồng bầu cử quốc gia quy định.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong bầu cử, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, và thực tiễn tổ chức bầu cử những năm gần đây cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ thông tin trong việc bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và phòng ngừa gian lận; tuy nhiên qua nghiên cứu, tối thấy dự thảo Luật lần này chưa đề cập đến ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình tổ chức bầu cử; theo đại biểu đây là một vấn đề cần được rà soát, nghiên cứu kỹ để bổ sung phù hợp với. Vì thực tiến hiện nay việc quản lý danh sách cử tri vẫn đang được thực hiện theo phương thức thủ công hoặc bán điện tử, dễ xảy ra sai sót, trùng lặp, sai thông tin cá nhân, đặc biệt trong điều kiện người dân di chuyển giữa các địa phương; không có cơ sở pháp lý cho các địa phương thử nghiệm hoặc từng bước triển khai các hình thức hiện đại như đăng ký cử tri điện tử, xác thực thông tin qua mã định danh, cấp thẻ cử tri kỹ thuật số. Đặc biệt trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh hoặc khu vực đặc thù, Luật không trao quyền linh hoạt cho Hội đồng bầu cử quốc gia, dẫn đến bị động nếu phải tổ chức bầu cử trực tuyến, từ xa hoặc ứng dụng phần mềm kiểm phiếu điện tử.
Do đó đại biểu đề xuất bổ sung một Điều vào dự thảo Luật quy định theo hướng quy định rõ về nguyên tắc, phạm vi và trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bầu cử; từng bước nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai hình thức bỏ phiếu điện tử tại các địa bàn đủ điều kiện theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Cần làm rõ quy định chuyển hồ sơ ứng cử và tổ chức lại khu vực bỏ phiếu
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án luật Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với lý do đã được nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý rằng việc sửa đổi lần này làm thay đổi một số quy trình, thủ tục bầu cử và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp. Do đó, trong hồ sơ cần bổ sung ý kiến của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hoàn chỉnh.

Đại biểu cũng nhất trí với quy định tại Điều 11 về khu vực bỏ phiếu, phù hợp với việc tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Tuy nhiên, nội dung “trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có quyền điều chỉnh khu vực bỏ phiếu” cần được quy định cụ thể hơn về mốc thời gian và cách thức thực hiện để có đủ căn cứ triển khai. Trong bối cảnh dự kiến tổ chức bầu cử sớm hơn nhiệm kỳ trước, cần đảm bảo quy định có tính khả thi.
Một nội dung nữa được đại biểu quan tâm là quy định chuyển hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND khi người ứng cử chuyển công tác từ đơn vị hành chính này sang đơn vị hành chính khác sau thời hạn nộp hồ sơ. Đại biểu cho rằng, nếu chỉ có hai ngày giữa thời điểm hết hạn nộp hồ sơ và tổ chức hiệp thương lần hai, thì rất khó tổ chức hiệp thương lại ở đơn vị mới. Vì vậy, không nên bổ sung quy định này nếu không có hướng dẫn cụ thể về cách thức và thời gian tổ chức hiệp thương nhằm đảm bảo nguyên tắc xin ý kiến nơi ứng cử.
Bên cạnh đó, về quy định số lượng nữ ứng cử đại biểu Quốc hội do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất, đại biểu cho rằng nên chỉnh lý theo hướng giao Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhận, vì theo dự kiến sửa đổi Hiến pháp, các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ sẽ là tổ chức thành viên của Mặt trận. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn về chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo tính bao quát.