Học sinh tỉnh nhà có một năm học vượt khó thành công

31/07/2022, 11:07

Những ngày cuối tháng 7 khi cái nóng hầm hập đổ về, khi những cơn mưa rào bất chợt ào ào buông xuống rồi đi, khi học sinh trên nhiều miền đất nước đã bước vào kỳ nghỉ hè với những chuyến đi du lịch nghỉ ngơi, an dưỡng sau một năm học vất vả thì học sinh tiểu học tại tỉnh nhà, mới bắt đầu bước qua những ngày cuối cùng của năm học 2021-2022.

Có thể nói, năm học vừa qua là một năm học đầy cam go thử thách đối với cả thầy và trò. Kể từ những ngày gần cuối tháng 5 khi học sinh chưa làm lễ tổng kết năm học 2020-2021 đã bất ngờ phải nghỉ học vì dịch Covid bùng phát. Thế rồi, những ngày sau đó, tỉnh Bình Thuận mà đặc biệt là Phan Thiết, rồi thị xã La Gi liên tục trở thành điểm nóng bởi nhiều ca dương tính xuất hiện.

1658238732657-1-.jpg

Nhiều tỉnh thành đã bước vào năm học mới từ đầu tháng 9 nhưng học sinh tỉnh nhà liên tục được dời lịch học từ tuần này, qua tuần khác. Đã gần hết tháng 10, thế nhưng, dịch Covid vẫn chưa chấm dứt để việc học của các em trở lại bình thường. Không thể di dời thêm việc học, thực hiện lời kêu gọi của Bộ Giáo dục dừng đến trường nhưng không ngừng học, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trao quyền cho các địa phương chủ động việc tổ chức năm học sao cho phù hợp với tình hình riêng.

Thế là, học sinh một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã tổ chức dạy và học online. Nếu như việc dạy và học online đối với học sinh cấp 2 và 3 có phần thuận lợi vì các em đã lớn thì việc triển khai dạy online cho học sinh tiểu học đặc biệt là học sinh lớp 1 và lớp 2 gặp muôn vàn khó khăn.

Không chỉ khó khăn về trang thiết bị (nhà có điện thoại, máy tính đều dồn cho anh chị lớp trên) mà cách học, cách thao tác, đăng nhập của các em cũng gặp nhiều vấn đề. Học sinh nhỏ ngồi học cần có sự theo dõi sát của cha mẹ nhưng không ít gia đình vì điều kiện phải để mặc con học tập một mình.

Dù thế, bằng sự nỗ lực của nhà trường, của giáo viên, chỉ trong thời gian ngắn việc học trực tuyến của học sinh cũng dần đi vào ổn định. Không thể nói hết được những vất vả, nhọc nhằn mà các thầy cô giáo đã trải qua như việc dạy học 2 buổi/ngày, tối tối nhiều thầy cô giáo cũng phải dành thời gian dạy riêng cho những học sinh không có điều kiện theo học chính khóa vì thiếu điều kiện học tập.

Có những giáo viên đã vận động bạn bè, người thân quyên góp máy tính, laptop, điện thoại hỗ trợ để giúp các em tham gia học tập. Có những lần, giáo viên cùng nhà trường lặn lội vào tận trong những con hẻm nhỏ, trong rẫy để tìm, để vận động gia đình cho học sinh tham gia học. Có những thầy cô buộc phải dạy trực tiếp từng học sinh có lực học rất yếu…rồi bất kể buổi trưa hay đêm khuya, điện thoại liên tục báo tin nhắn tin , giáo viên phải nhận bài trên Zalo, phần mềm Azota… chấm, sửa để trả lại cho các em.

Sau 16 tuần học tập online, học sinhđã được trở lại trường học trực tiếp. Những ngày đầu trở lại giảng dạy, giáo viên nào cũng ngao ngán bởi chất lượng học tập của các em thật sự đáng báo động.

Để giúp các em lấy lại kiến thức cơ bản không còn con đường nào khác ngoài việc thầy cô phải nỗ lực dạy học rất nhiều. Thế là, những tháng ngày sau đó, thầy và trò cùng nhau “vật lộn” với những con chữ. Sau 3 tuần ôn tập kiến thức, học sinh đã kết thúc học kỳ 1 với kết quả tương đối ổn định.

Vào học kỳ 2, giáo viên tiếp tục vừa dạy học để hoàn thành yêu cầu, vừa dạy kèm, phụ đạo cho những học sinh yếu kém, mất căn bản tiếp tục cân bằng kiến thức. Sự nỗ lực của cả thầy và trò cũng đã có quả ngọt. Tỷ lệ lên lớp của nhiều trường đạt từ 98% trở lên.

Kết thúc năm học 2021-2022 đầy biến động với bao vất vả, gian lao nhưng cuối cùng con thuyền tri thức cũng cập bến thành công. Những nhà giáo chúng tôi cũng lấy làm tự hào vì những nỗ lực của ngành giáo dục, của chính bản thân, của phụ huynh và các em học sinh cũng đã được đền đáp xứng đáng.

PHAN TUYẾT

Related articles
Phan Thiết tuyển sinh bậc mầm non - mẫu giáo năm học 2022- 2023
BTO- TP. Phan Thiết vừa triển khai kế hoạch tuyển sinh bậc học mầm non - mẫu giáo, năm học 2022- 2023.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh tỉnh nhà có một năm học vượt khó thành công