90% hộ dân còn lại phải tự xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp là dồn thành đống và đốt. Do đó, từ năm 2021 về trước tình trạng một bộ phận người dân thiếu ý thức, đem rác vứt bừa bãi trên các sông, suối, ao, hồ và dọc 2 bên các tuyến đường giao thông, gây mất mỹ quan nông thôn và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, phổ biến trên các trục giao thông chính của 3 thôn: Đại Thiện 2, Xuân Điền và Phú Điền luôn xuất hiện 5 đống rác lộ thiên, với khối lượng khoảng 5 tấn. Hàng tuần ban điều hành các thôn phải xử lý, đốt tại chỗ. Do lượng rác lớn, khi đốt đã tạo ra lượng lớn khói, bụi và khí độc hại, gây ô nhiễm môi trường không khí nông thôn.
Ông Lê Văn Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Hàm Hiệp cho biết: Trước thực trạng trên, năm 2021, thực hiện Chỉ thị 02 của Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Thuận Bắc về cuộc vận động “Người dân Hàm Thuận Bắc không xả rác thải bừa bãi”, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể và các thôn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, có chiều sâu về nội dung và đa dạng hóa về hình thức nhằm nâng cao nhận thức người dân không xả rác thải bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch, đẹp; đồng thời tổ chức đối thoại với nhân dân, làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục tình trạng rác thải vứt bừa bãi. Qua nhiều lần họp dân, tham khảo ý kiến, tập thể Đảng ủy xã đã thống nhất, chỉ đạo xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt phạm vi hộ gia đình; đây được xem là giải pháp căn cơ trước mắt nhằm giải quyết triệt để lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày của mỗi gia đình.
Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã đảm nhận khâu thiết kế kết cấu lò đốt, đảm bảo khi lò hoạt động, rác được đốt cháy hoàn toàn, những khí độc và khói thải ra đảm bảo tiêu chí là không gây ô nhiễm về môi trường, được nhân dân chấp thuận.
Ông Lê Khắc Vi – Chi hội trưởng nông dân thôn Xuân Điền, xã Hàm Hiệp phụ trách về khâu kỹ thuật xây dựng lò đốt rác cho biết: Lò được xây dựng trên diện tích đất khoảng 1m2; chiều cao ống thoát khói của lò khoảng chừng 2m; bên trong lò được thiết kế 2 tầng, tầng trên chứa rác để đốt, tầng dưới chứa tro; tổng kinh phí xây dựng mỗi lò dao động từ 1,5 - 2,5 triệu đồng, tùy kích cỡ lò lớn, nhỏ. Bên cạnh, đảm nhận phụ trách khâu thiết kế lò đốt, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã còn đảm nhận làm dịch vụ xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt phục vụ nhân dân. Đến nay, dịch vụ đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 100 lò đốt rác ở 100 hộ gia đình, trên địa bàn 6 thôn.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Sinh ngụ thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp là hộ tiên phong thực hiện xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt chia sẻ: Gia đình có hơn 3.000 trụ thanh long, trước đây việc xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày và lượng lớn rác thải bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật qua thâm canh thanh long đều dồn thành đống và đốt. Xử lý theo phương thức này, bị nhiều người dân trong khu dân cư phản ánh là gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng từ khi xây dựng lò đốt, lượng rác trên được xử lý hoàn toàn, không còn mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường như trước.
Hy vọng, với sự đồng thuận của người dân, trong thời gian đến trên địa bàn xã Hàm Hiệp, nhà nhà đều có lò đốt rác thải sinh hoạt, xây dựng môi trường sống ở khu dân cư: xanh, sạch, đẹp. Và như vậy trên khắp địa bàn nông thôn ở địa phương này sẽ không còn xuất hiện những đống rác thải lộ thiên, phản cảm, nằm ngay vệ đường giao thông như trước đây.