Khoảng cách

24/06/2022, 06:01

Cuối tuần ở nhà hoài cũng buồn, tôi gọi điện rủ mấy đứa bạn cũ đi uống cà phê. Gọi hơn chục cuốc điện thoại, nghe đủ lý do tụi nó đưa ra, tôi cúp máy với nỗi buồn càng chất cao hơn.

Nhớ thời sinh viên, sáu đứa đều là dân tỉnh vào thành phố trọ học. Học chung một lớp, ở chung ký túc xá nên rất thân nhau. Nhà đứa nào cũng khó khăn, cuối tháng hết tiền, nấu chung một nồi mì gói sì sụp húp, vậy mà cười giỡn cứ như đang rủ nhau ăn lẩu hải sản. Một đứa bệnh là cả nhóm họp lại chia nhau chăm sóc. Chúng tôi xem nhau như chị em trong gia đình, luôn sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống. Có lần nhỏ Phương chia tay người yêu, khóc như mưa, mua cả rượu đế về uống. Cả nhóm phải khuyên can, chăm sóc, coi chừng sợ nó buồn quá làm liều. Thương nhất lúc nó say nằm oặt ra tuôn xối xả những chán nản trong cuộc sống, năm đứa còn lại vừa khuyên vừa khóc, rồi cả sáu đứa ôm nhau khóc ròng. Đời sinh viên xa nhà, gọi điện về nhà chỉ dám khoe gì vui vui chứ cực nhọc buồn đau giấu tất, chỉ dám tâm sự với bạn bè.

ca-phe.jpg

Nhờ đùm bọc nhau mà ba năm cao đẳng trôi qua cái vèo. Ngày tốt nghiệp, xúng xính áo quần chụp ảnh lưu niệm. Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay mặt đứa nào đứa này đều rạng rỡ nụ cười. Cả nhóm quyết định đi tắm biển để xả hết những buồn phiền cuộc sống, đón ngày mai tươi sáng hơn và tạm biệt ngôi trường cao đẳng bên bờ biển nên thơ.

Rồi xa nhau. Bận rộn mưu sinh. Mỗi ngày lại thêm một thứ bận rộn mới chất chồng lên…

Giờ đây muốn gặp nhau chừng tiếng đồng hồ, cùng uống cà phê tám chuyện sao mà khó khăn quá! Cả nhóm đều trụ lại thành phố làm việc, cách nhau vài cây số, mất vài chục phút chạy xe là có thể gặp nhau, vậy mà hơn năm năm sau ngày nhận bằng, tôi chỉ gặp lại tụi nó đúng hai lần.

Bây giờ mỗi đứa một nghề, ai cũng lo kiếm tiền trang trải cuộc sống, gánh nặng kinh tế đè lên vai. Đứa phải lo cho em ăn học. Đứa lo “cày” để lên chức, lên lương. Đứa lập gia đình rồi thì phải lo vun vén gia đình. Rồi chẳng còn đứa nào rảnh để cuối tuần lê la cùng nhau uống cà phê. Nhiều khi gọi điện tụi nó cũng chẳng nghe máy, mấy ngày sau mới nhắn tin là đi công tác bận quá.

Có lần đi uống cà phê cùng một cô bạn. Cô bạn than sao mà nhớ thời sinh viên quá chừng, rồi bảo sẽ đi đăng ký học văn bằng hai để được trở lại làm sinh viên một lần nữa. Tôi chỉ cười buồn, thầm nghĩ làm sao mà trở lại vô âu vô lo như thời đó được. Quy luật của cuộc sống là phải phát triển, ta phải lớn lên, chín chắn hơn. Nhất là trong cái thời kinh tế thị trường, nhịp sống gấp gáp vội vã chốn thị thành thì làm sao giữ được những ngây thơ trong trẻo ngày ấy. Làm sao chơi hết mình, lo hết mình, san sẻ vui buồn mà chẳng toan tính lợi lộc gì như ngày đó được.

Nghĩ mà buồn quá. Thời nay phương tiện giao thông phát triển, phương tiện liên lạc cũng phát triển, mà sao khoảng cách giữa con người ngày càng xa. Tôi nhớ có lần đọc ở đâu đó một câu nói đại ý rằng: Người ta có thể lên khám phá mặt trăng mà không thể bước vài bước chân để tới thăm người hàng xóm. Chẳng lẽ nào khoa học, kinh tế càng phát triển thì khoảng cách giữa con người càng xa hơn sao? Nếu cứ đà này, có lẽ một ngày nào đó ngay cả những người sống chung một mái nhà cũng chẳng mở miệng nói chuyện với nhau câu nào. Mới nghĩ thôi, tưởng tượng ra thôi đã rùng mình sợ hãi.

Chợt nhớ Bailey đã từng nói: “Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn mọi người cười. Bạn hãy sống sao để khi bạn mất đi, bạn cười còn mọi người khóc”. Suy cho cùng tất cả những nỗ lực của chúng ta là làm sao cho cuộc sống tốt đẹp hơn để tới khi nằm xuống mỉm cười được vì mình đã làm được một cái gì đó có ý nghĩa. Nếu cứ lao vào vòng cuốn của công việc, kiếm tiền thì liệu rằng có hạnh phúc hơn không, hay tới một lúc nào đó nhìn lại hốt hoảng tự hỏi rằng sao mình đơn độc quá.    

NGÂN VY

Related articles
Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX - 2022: Kêu gọi xã hội hóa
Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận trong buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội thể dục thể thao (TDTT).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoảng cách