Tuân thủ quy chế quản lý khu bảo tồn biển
Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3106/QĐ-UBND vào ngày 4/12/2019 (Đề án 3106).
Đến thời điểm này, các đơn vị liên quan vẫn đang trong quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết để triển khai đề án này. Mục tiêu nhằm phát huy lợi thế của khu bảo tồn biển, phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp có sự tham gia của cộng đồng. Từ đó, tạo sinh kế cho người dân và tạo thêm nguồn tài chính phục vụ quản lý, bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời quản lý chặt chẽ, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn biển và tạo thêm điểm đến độc đáo cho du khách trong chuỗi các điểm đến hấp dẫn của Bình Thuận, góp phần phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.
Đề án 3106 nêu rõ, hoạt động và sản phẩm du lịch tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau dựa vào yếu tố đặc thù, độc đáo về cảnh quan môi trường tự nhiên và sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái biển trên cơ sở tuân thủ quy chế quản lý khu bảo tồn biển. Bao gồm du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp hoang sơ của đảo. Du lịch khám phá đại dương bằng thuyền đáy kính hoặc lặn ngắm các rạn san hô, sinh vật biển và các đàn cá đa sắc màu. Hay tìm hiểu về rùa biển, các hoạt động bảo tồn rùa biển (đẻ trứng, ấp trứng, thả rùa con về với biển). Ở đây còn có các dịch vụ phục vụ du lịch dã ngoại, cắm trại, tắm biển, câu cá giải trí, câu cá thể thao và các hình thức dịch vụ phù hợp khác.
Tuy nhiên, khách du lịch là người nước ngoài đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau phải đảm bảo thủ tục theo quy định về quản lý an ninh biên giới biển. Đặc biệt, khách du lịch không được ở lại qua đêm tại đảo nếu không đăng ký và được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Song song, khuyến khích hình thức du lịch đoàn cho các em học sinh, sinh viên tham quan, khám phá đảo Hòn Cau, giúp các em hiểu thêm về công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học và lợi ích mang lại từ công tác bảo tồn.
Tuy nhiên, theo quy định, lượng du khách tối đa tiếp nhận tại khu bảo tồn biển không quá 200 lượt khách mỗi ngày vào các ngày bình thường và không quá 250 lượt khách mỗi ngày vào các dịp lễ, tết. Riêng dịp lễ hội Cầu Ngư hàng năm, Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Hòn Cau phối hợp chính quyền huyện Tuy Phong sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện để bà con ngư dân các địa phương tham gia lễ hội đảm bảo an toàn.
Cần đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất
Theo ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đối chiếu Đề án 3106, các hạng mục cơ sở vật chất như bến neo, đậu tàu thuyền, nhà chờ đón trả khách, khu vệ sinh là nhu cầu cần thiết, phải có để triển khai hoạt động du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi triển khai hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách tham quan, du lịch trên đảo, phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Song song, chỉ đạo BQL Khu bảo tồn biển Hòn Cau đề xuất hạng mục cơ sở vật chất cần thiết đầu tư tại khu bảo tồn.
Theo đó, mới đây BQL Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã đề xuất việc sửa chữa và nâng cấp trạm quản lý trên đảo trong giai đoạn từ năm 2023-2024. Cụ thể cho biết, hiện nay trạm tuần tra, kiểm soát và quản lý bảo tồn biển tại đảo Hòn Cau đã xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy việc đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị phục vụ hoạt động là rất cần thiết. Ngoài ra, đề xuất việc đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch để phục vụ cho du khách và xây dựng đường giao thông nội bộ để kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, đối với các hạng mục cơ sở vật chất có tính chất dịch vụ, phục vụ nhu cầu khách tham quan du lịch phù hợp nội dung Đề án 3106 thì doanh nghiệp, người dân tự đầu tư nhưng phải đáp ứng tiêu chí, quy định đối với từng loại hình dịch vụ và chịu sự kiểm tra của cơ quan nhà nước có chức năng.
Ngoài ra, nhằm triển khai hoạt động du lịch sinh thái trong khu bảo tồn biển gắn với đề xuất đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo tính đồng bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị BQL Khu bảo tồn biển Hòn Cau xây dựng bản đồ tổng thể du lịch sinh thái tại đây. Đồng thời, hoàn thiện đề xuất danh mục đầu tư cơ sở vật chất có tính tổng thể theo từng khu vực, vị trí triển khai các loại hình du lịch sinh thái.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau được UBND tỉnh quyết định thành lập vào tháng 11/2010 với tổng diện tích 12.500 ha. Bao gồm diện tích mặt biển 12.360 ha và diện tích đảo Hòn Cau 140 ha. UBND tỉnh cũng ban hành Quy chế quản lý các hoạt động trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau vào tháng 10/2012.