Trung Quốc gia tăng sức ép khi New Zealand thân thiết hơn với Mỹ

02/06/2022, 14:39

Quan hệ giữa New Zealand và Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm rạn nứt sau khi nước này cùng với Mỹ công khai phản đối chính sách của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề như Tân Cương và Hong Kong.

Sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư (1/6) vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung trong đó phản đối các yêu sách và hoạt động trái pháp luật, đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Hai nước cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình nhân quyền tại Tân Cương, tình hình Hong Kong và mong muốn có giải pháp hòa bình cho vấn đề eo biển Đài Loan. Mặc dù không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc song những vấn đề vừa nêu đều là những chủ đề mà phương Tây đang chỉ trích Trung Quốc.

Đồng thời, trong tuyên bố này, Mỹ và New Zealand cũng bày tỏ sự lo ngại trước thỏa thuận an ninh mà Trung Quốc vừa ký với quần đảo Solomon trong đó khẳng định “căn cứ quân sự tại khu vực Thái Bình Dương của một quốc gia không chia sẻ giá trị và mối quan tâm về an ninh sẽ tạo nên mối đe dọa về an ninh đối với hai nước và làm thay đổi căn bản cán cân chiến lược trong khu vực”.

New Zealand từng là quốc gia có quan hệ tốt với Trung Quốc song kể từ năm ngoái, dư luận quốc tế đang chứng kiến sự thay đổi cách tiếp cận của nước này với Trung Quốc và tuyên bố chung giữa New Zealand với Mỹ vừa qua là một bước đi tiếp theo cho thấy điều này.

New Zealand thực thi chính sách ngoại giao độc lập, song trong tuyên bố chung với Mỹ cho thấy nước này đang trở nên thân thiết và đặt nhiều niềm tin hơn vào Mỹ khi khẳng định “an ninh và quốc phòng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong mối quan hệ giữa nước này với Mỹ”.

Tất nhiên Trung Quốc không vui trước thái độ này của New Zealand, thành viên duy nhất của nhóm chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes từng có quan hệ tốt với nước này. Phản ứng trước tuyên bố chung giữa New Zealand và Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, “các nội dung liên quan của tuyên bố xuyên tạc và bôi nhọ hoạt động hợp tác bình thường của Trung Quốc với các quốc đảo Thái Bình Dương, cố tình thổi phồng vấn đề Biển Đông và đưa ra các nhận xét vô trách nhiệm và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Ông Triệu Lập Kiên cho rằng, hành động này của New Zealand và Mỹ là để “tạo ra thông tin sai lệch và công kích cũng như làm mất uy tín của Trung Quốc”.

Đại sứ Trung Quốc tại New Zealand - Wang Xiaolong cho hay, quan hệ giữa New Zealand và Trung Quốc được hai bên nỗ lực xây dựng trong nhiều năm qua và vì vậy “không nên bị coi thường” mà cần được “bảo vệ một cách cẩn thận, sử dụng một cách khôn ngoan và đảm bảo không bị lãng phí”.

Trong khi đó, ông Triệu Lập Kiên cũng nhấn mạnh, “New Zealand cần thực thi chính sách đối ngoại độc lập và làm nhiều hơn nữa để tăng cường an ninh và sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực cũng như bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Không chỉ dừng lại ở các tuyên bố, chuyên gia New Zealand nhận định có thể Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa đối với nước này. Giáo sư quan hệ quốc tế Robert Patman thuộc trường Đại học Otago của New Zealand không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể ban hành một số rào cảm thương mại nhằm gây sức ép với New Zealand./.

VOV.VN

Related articles
Hà Lan vẫn nhập khẩu khí đốt Nga sau khi bị cắt nguồn cung
Đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS hôm 1/6 đưa tin, Hà Lan vẫn tiếp tục nhận khí đốt của Nga bất chấp tập đoàn Gazprom ngừng cung cung cấp khí đốt cho công ty năng lượng GasTerra do công ty này không thanh toán bằng đồng rúp.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc gia tăng sức ép khi New Zealand thân thiết hơn với Mỹ