Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU: Phát triển công nghiệp thực sự trở thành trụ cột kinh tế

17/05/2022, 05:41

Những năm gần đây ngành công nghiệp của tỉnh có bước phát triển khá nhanh, và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế. Tiềm năng, lợi thế về công nghiệp của tỉnh từng bước phát huy hiệu quả, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

may-mac.jpg
May mặc xuất khẩu. Ảnh: Đình Hòa

Phát huy lợi thế

Phát triển công nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nên thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nhằm tạo sự bứt phá. Các dự án đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp đã tập trung vào các ngành nghề như chế biến gỗ, phân bón, bao bì, may mặc, sắt thép, thực phẩm... Định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là khuyến khích, khai thác tốt những sản phẩm lợi thế của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời tạo mọi điều kiện cho các sản phẩm khác cùng phát triển. Thu hút những nhà đầu tư thật sự có năng lực, dự án có công nghệ cao, bảo đảm môi trường. Ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và chế biến sa khoáng. Với lợi thế về địa lý, tiềm năng và sự phát triển kinh tế của tỉnh đã từng bước hoàn thiện hạ tầng để đón nhận các nhà đầu tư đến với tỉnh, đồng thời kêu gọi tập trung vào các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, chú trọng dự án đảm bảo thân thiện môi trường. Đặc biệt là mở rộng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ngoài khơi, kêu gọi đầu tư sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng. Tận dụng những lợi thế địa hình và sự nỗ lực không ngừng, đến nay Bình Thuận đã có nhiều sự thay đổi. Các khu công nghiệp đang dần phát huy sức mạnh của mình, từ đó chuyển dịch cơ cấu của địa phương rất tốt. Theo đó tỉnh Bình Thuận đang là một trong những khu vực có nguồn lực kinh tế của nước ta, đặc biệt là kinh tế khu vực đang phát triển ngày càng nhanh chóng nhờ vào lợi thế vị trí cũng như đặc điểm địa hình. Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cũng khiến sự phát triển kinh tế càng trở nên có tiềm năng. Với những thế mạnh trên, địa phương kỳ vọng thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín, giàu kinh nghiệm tham gia tạo nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy tỉnh Bình Thuận phát triển trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến nền kinh tế bền vững.

Công nghiệp sẽ trở thành trụ cột kinh tế

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh cho biết đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu là, phát triển công nghiệp thực sự trở thành trụ cột kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và những ngành sử dụng nhiều lao động. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành công nghiệp bình quân 11,5 - 12,5%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng (GRDP) của ngành công nghiệp chiếm 33,5 - 35% tổng sản phẩm nội tỉnh, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt trên 550 triệu USD. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các Khu công nghiệp Phan Thiết 2, Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2, Sông Bình và Khu công nghiệp Tuy Phong, đầu tư trên 70% khối lượng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức, Khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị Hàm Tân - La Gi (giai đoạn 1). Thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê Khu công nghiệp Phan Thiết 2; 78% diện tích đất cho thuê Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1, Khu công nghiệp Hàm Kiệm 2, đạt trên 30% diện tích đất cho thuê Khu công nghiệp Tân Đức, Khu công nghiệp Tuy Phong, Khu công nghiệp Sông Bình, Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2. Đối với các huyện, thị xã, thành phố có từ 1 – 2 cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh lấp đầy trên 50% diện tích, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hình thành cụm công nghiệp với quy mô phù hợp tại huyện Phú Quý. Giai đoạn 2026 – 2030, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành công nghiệp bình quân đạt 13%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng (GRDP) của ngành công nghiệp chiếm 37% tổng sản phẩm nội tỉnh, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt trên 800 triệu USD. Hoàn chỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có, thành lập Khu công nghiệp phía nam tỉnh thuộc khu vực 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh. Với những giải pháp cụ thể, Bình Thuận kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư tiềm lực mạnh, uy tín, giàu kinh nghiệm tham gia tạo nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy địa phương phát triển trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến nền kinh tế bền vững.

THANH QUANG

Related articles
Cử tri quan tâm nhiều đến vấn đề đất đai, phòng chống tham nhũng
BTO-Công tác quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều bất cập; cần kiên quyết xử lý và thu hồi toàn bộ tài sản trong các vụ án tham nhũng… là những nội dung được cử tri 2 phường Phú Trinh và Phú Tài (TP. Phan Thiết) phản ánh sâu đậm tại buổi tiếp xúc với Bí thư Tỉnh ủy-Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn An và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông vào chiều nay 12/5.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU: Phát triển công nghiệp thực sự trở thành trụ cột kinh tế