Dạy thêm, học thêm nhìn ở góc độ tích cực

13/05/2022, 06:14

Xưa nay, nói đến chuyện dạy thêm, học thêm nhiều người thường lên án giáo viên dùng thủ đoạn để ép học trò đi học thêm mặc dù nhiều phụ huynh không muốn. Nhưng thực tế lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.

Ngoài một số gia đình không có nguyện vọng cho con học thêm thì phần đông phụ huynh vẫn muốn con được thầy cô kèm cặp, bồi dưỡng sau thời gian trên lớp. Nhu cầu cho con đi học thêm của phụ huynh là quá lớn.

khong-co-bang-su-pham-duoc-mo-lop-day-them-khong_1108162131.jpg
Ảnh minh họa.

Những ai cần đi học thêm?

Có rất nhiều lý do để ba mẹ các em cho con đi học thêm. Do kiến thức học quá nặng nề, do phụ huynh sợ con không theo kịp chương trình, hay nỗi lo sợ khi con thua kém bạn bè rồi sự kỳ vọng vào con quá lớn…

Tất cả học sinh đều cần phải học thêm. Học sinh giỏi muốn nâng cao trình độ như giải những bài toán khó, bài toán nâng cao trong các cuốn sách giải. Những học sinh này thường tham gia các cuộc thi toán, tiếng Anh trên mạng… Trên lớp, thầy cô dạy đúng nội dung chương trình trong sách giáo khoa còn thiếu thời gian thì làm gì có thời gian để dạy nâng cao cho các em được. Bởi vậy, giải pháp hiệu quả nhất là phụ huynh phải gửi giáo viên kèm ngoài giờ.

Học sinh có lực học bình thường, muốn nâng cao trình độ nhưng ba mẹ không có điều kiện hướng dẫn con chuẩn bị bài ở nhà và giáo viên đương nhiên trở thành sự lựa chọn số 1 của cha mẹ các em.

Đối tượng khác là một số học sinh yếu muốn lấy lại căn bản (số này học quá kém thường là hậu quả của bệnh thành tích nhiều năm). Nhiều em học lớp 4, 5 nhưng trình độ chỉ là học sinh lớp 1, 2. Trên lớp, giáo viên không thể bỏ mấy chục em ngồi chơi chỉ để kèm riêng cho những học sinh bị hổng kiến thức. Do đó, ngày học trên trường, tối về học thêm là điều đương nhiên.

Hàng năm, học sinh cuối bậc THCS đều phải tham gia thi vào lớp 10 nên các em thường đi học rất đông. Một học sinh lớp 10 chia sẻ: “nếu con không đi học thêm để được thầy cô ôn luyện cũng khó thi vào ngôi trường con mong muốn”.

Số khác là các em vào lớp 12 cũng cần phải ôn tập để tích lũy thêm kiến thức cho việc thi tốt nghiệp quốc gia và xét tuyển đại học. Nhiều giáo viên nói: “nếu chỉ học những kiến thức trong sách giáo khoa thì các em chỉ có thể thi đậu tốt nghiệp. Còn thi đại học đặc biệt muốn đỗ vào trường ưng ý mà không học thêm thì vô cùng khó”.

Vì sao phải đi học thêm?

Khác với suy nghĩ của nhiều người, thầy cô dạy không hết kiến thức trên lớp để dành về nhà dạy thêm. Số giáo viên này có nhưng không phổ biến. Vì không phải là người trong cuộc nên ít người hiểu rõ bản chất của vấn đề. Mỗi lớp bậc trung học, sĩ số học sinh từ 40 - 45 em/lớp. Các em trong lớp có đủ trình độ yếu, kém, trung bình, khá và giỏi. Thời lượng một tiết học 35 - 40 phút tiểu học, 45 phút với hai bậc học còn lại nhưng lượng kiến thức cần truyền thụ lại quá nhiều. Dù cố gắng lắm, thầy cô cũng chỉ có thể dạy đủ chuẩn cho mọi đối tượng học sinh đã khó. Muốn nâng cao trình độ, muốn bù kiến thức hổng cho các đối tượng khác nhau làm gì có thời gian. Nhưng đi học thêm, phần lớn các em được xếp lớp theo trình độ học lực, nhận thức. Có nhiều thời gian, giáo viên sẽ dạy phụ đạo hoặc nâng cao cho từng đối tượng học sinh. Nhiều phụ huynh tìm thầy cô dạy thêm cho con thường quan tâm đến “danh tiếng” của những giáo viên ấy. Không ít giáo viên được chọn dạy thêm lại là người dạy học ở một ngôi trường khác nên họ dạy thêm không phải học sinh của mình.

Nhờ việc được học thêm thường xuyên như thế nên chất lượng học tập của những học sinh này ngày càng tiến bộ rõ rệt.

Nhiều phụ huynh nói: “tôi cần con tôi được học thêm” thì đương nhiên học thêm trở thành nhu cầu chính đáng. Lúc này, dạy thêm cũng trở thành hợp pháp và nên được khuyến khích. Người ta chỉ lên án khi thầy cô dùng quy lực, thủ đoạn bắt ép các em phải đi học thêm với mình. Nhưng nếu như đó hoàn toàn là sự tự nguyện, thiết nghĩ việc thầy cô dạy thêm chẳng có gì là vi phạm cả.

Vấn đề là làm thế nào để phân biệt được dạy thêm trên tinh thần tự nguyện và dạy thêm bắt buộc? Chẳng lẽ không quản lý được là ra lệnh cấm để đỡ rắc rối hay sao?

Học sinh nhờ được học thêm mà học lực của nhiều em ngày càng tiến bộ và được nâng cao. Một số thầy cô cũng nhờ dạy thêm mà đời sống ngày càng được cải thiện. Khi cuộc sống gia đình ổn định thì thầy cô mới đủ thời gian để chăm lo cho công tác giảng dạy của mình.

PHAN TUYẾT

Related articles
Chọn ngành học theo thế mạnh của địa phương
Trong bối cảnh học sinh lớp 12 cả nước sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau đó là xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022. Do vậy, tư vấn, hướng nghiệp trước mùa tuyển sinh là hoạt động quan trọng, giúp học sinh lựa chọn ngành, nghề và chọn trường phù hợp với năng lực, sở trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy thêm, học thêm nhìn ở góc độ tích cực