Tái diễn tình trạng trẻ em ăn xin, bán vé số

19/04/2022, 06:05

Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề người lang thang ăn xin, góp phần tích cực xây dựng môi trường phát triển du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, xây dựng hình ảnh, mỹ quan tốt đẹp nơi công cộng của địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện tình trạng trẻ em ăn xin, đi bán vé số hoặc những người phụ nữ mang theo con nhỏ đi bán vé số.

z3334100291178_8b9173b5e3d74d5d87a94bf4300715b7(1).jpg
Trẻ em đi xin ở Phan Thiết (ảnh tư liệu).

Vi phạm quyền trẻ em

Sau dịch Covid-19, tình trạng người già, trẻ em đi bán vé số, đi xin nhiều hơn. Ở những ngã 4 đường trong nội thành Phan Thiết, nhiều người sẽ dễ dàng nhìn thấy người phụ nữ ẵm theo em bé nhỏ khoảng 1 - 2 tuổi đang ngủ say ngồi xin (hoặc bán vé số). Người đi đường thấy thương, thỉnh thoảng vẫn ghé vào cho tiền, sữa, bánh. Biết rằng cuộc sống quá vất vả mới đẩy họ ra đường, tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ gây hình ảnh không đẹp cho thành phố du lịch. Được biết, trước đây tình trạng này xuất hiện nhiều, trong đợt dịch Covid-19 có lắng xuống, nay lại tái diễn. Trong năm 2021, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức các đợt cao điểm tập trung, xử lý người lang thang, xin ăn trên địa bàn nhất là dịp lễ, tết. Qua đó, đã đưa 17 lượt người lang thang, xin ăn, người tâm thần lang thang sống nơi công cộng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh quản lý tạm thời.

Riêng vấn đề trẻ em đi bán vé số và phụ nữ mang theo con nhỏ đi bán vé số là những hình ảnh không ai mong muốn, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tình cảm và vi phạm các quyền của trẻ em theo luật định. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em. Bên cạnh đó, rà soát, phân loại và tập trung, xử lý người lang thang ăn xin trên địa bàn tỉnh, cũng như tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn.

Nâng cao nhận thức về quyền trẻ em

Với mục tiêu hạn chế, chấm dứt tình trạng trẻ em đi xin, bán vé số thời gian tới, UBND tỉnh đã triển khai nhiều công văn, chỉ thị tăng cường xử lý tệ nạn lang thang ăn xin trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy trình rà soát, quy chế phối hợp, xử lý người lang thang ăn xin trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành, địa phương trong việc rà soát, phân loại và xử lý người lang thang ăn xin, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc tổ chức các đợt cao điểm rà soát, phân loại và xử lý người lang thang ăn xin. Tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em cho gia đình, người sử dụng lao động ở khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ven biển, hải đảo để tránh xảy ra tình trạng sử dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp cho lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập THCS.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền và chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các điểm du lịch tăng cường phối hợp với địa phương trong giải quyết vấn đề người lang thang ăn xin. Tuyệt đối không cho người lang thang vào khu vực đơn vị quản lý để bán hàng rong kết hợp ăn xin và bán vé số. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh; quy định về đảm bảo quyền của trẻ em trong gia đình, phải tạo điều kiện để con, em đến trường học tập. Nghiêm cấm các hành vi bắt trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự an toàn và phát triển nhân cách của trẻ hoặc cưỡng ép trẻ em phải bỏ học để kiếm sống khi chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS.

Ngoài ra, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp theo quy định. Kịp thời phát hiện và xử lý các đường dây chăn dắt, lạm dụng, bóc lột trẻ em. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội phối hợp với các cơ sở dạy nghề xây dựng kế hoạch đào tạo các ngành, nghề phù hợp với khả năng tiếp cận và trình độ học vấn cho số phụ nữ có con nhỏ đi bán vé số (mang theo con nhỏ đi bán vé số). Đồng thời, hỗ trợ số phụ nữ này tìm kiếm việc làm phù hợp để hạn chế tình trạng mang theo con nhỏ đi bán vé số trên địa bàn tỉnh làm mất mỹ quan đô thị…

M. VÂN

Related articles
UNICEF: Hàng trăm triệu trẻ em vẫn phải nghỉ học vì đại dịch Covid-19
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính có đến 147 triệu trẻ em ở 23 quốc gia, vùng lãnh thổ đã bỏ lỡ 1/2 thời gian học trực tiếp của mình sau 2 năm dịch bệnh bùng phát.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái diễn tình trạng trẻ em ăn xin, bán vé số