Nghĩa từ trong thơ

11/03/2022, 06:18

Anh bạn đồng nghiệp của tôi là người giữ gìn sách rất cẩn thận, cả sách giáo khoa (SGK) qua các lần thay sách anh cũng lưu giữ đầy đủ. Anh bảo vừa rồi tình cờ đọc lại mấy bài thơ trong SGK cũ, thấy cũng lạ, 1 bài thơ in trong 2 cuốn SGK Văn ở 2 cấp lớp (10 và 12)(1) in cùng 1 năm lại có từ không trùng khớp với nhau mà vẫn cứ tồn tại.

van.jpg
Ảnh minh họa.

Dùng từ thật không dễ

Thấy tôi chưa hiểu, anh giải thích, bài “Nhớ đồng”(2) của Tố Hữu, nhóm tác giả soạn SGK Văn lớp 10 chuyên ban A, B trích in câu thứ 4 của tác phẩm là “Đâu ruồng che mát thở yên vui”; còn nhóm biên soạn SGK ban chuyên Văn lớp 12 thì trích in câu ấy là “Đâu ruồng tre mát thở yên vui”. Một bản in “che”, một bản in “tre”. Nói xong anh lại cười sảng khoái, bảo chắc mấy anh biên soạn sách Văn lớp 10 là dân đồng bằng sông Hồng nên viết theo phát âm “tr” và “ch” lẫn lộn nhau. Anh nói đến đây thì gợi tôi chợt nhớ trước kia khi đang dạy hai bộ sách này cũng có tranh luận, trao đổi, mà thời ấy xem SGK là tài liệu chuẩn mực, giáo viên không được phép nói sai. Nhưng việc tranh luận ở tổ nhóm chẳng ngã ngũ vào đâu, ai dạy lớp nào lo theo sách lớp ấy, rồi lu lấp đi. Mãi sau này tôi đọc bài nói về “nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm của từ…” của PGS Hữu Đạt trên tạp chí, ông có phân tích chữ “che” và “tre” trong đoạn thơ này, mới vỡ ra nhiều ý, nên trao đổi lại với anh bạn.

Qua phân tích, chứng minh cho các nghĩa biểu vật và các nghĩa biểu niệm của từ, cũng như con đường phái sinh nghĩa của nó, PGS nhấn mạnh “với các từ “chốt” sẽ có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vì nó liên quan trực tiếp tới việc tiếp nhận hình tượng nghệ thuật”. “Thậm chí, trong một số trường hợp, do việc hiểu khác nhau về nghĩa từ, những kết quả lý giải đối với cùng một hiện tượng thơ ca sẽ hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, đoạn thơ sau đây của Tố Hữu đã được in và phân tích thành hai biến thể hoàn toàn khác nhau.” Rồi ông đưa ra ví dụ một từ trong đoạn thơ trích ở bài “Nhớ đồng”: “Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi/ Đâu ruồng che mát thở yên vui/ Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn/ Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi” trong sách Văn 10 chuyên ban A, B, sách giải thích câu thứ hai: “Ruồng che mát: lùm cây che mát – ruồng tiếng địa phương có nghĩa là lùm cây”. Ở đây, với cách hiểu từ “che” được hiểu theo nghĩa biểu niệm trong cấu trúc biểu niệm của động từ này. Từ “ruồng” là tiếng địa phương, có nghĩa tương tự như từ “lùm” của ngôn ngữ toàn dân. Vậy câu thơ thứ hai trong đoạn sẽ được hiểu là: “ruồng/lùm + che mát + thở yên vui”.

Còn SGK chuyên ban Văn lớp 12 (in theo bản in có từ năm 1946 và 1959) là: “Đâu ruồng tre mát thở yên vui”, với cách hiểu như từ “che” bên trên mà được hiểu theo nghĩa biểu vật là “tre” (cây tre) thì ý nghĩa của câu thơ sẽ được hiểu là: “ruồng/lùm tre mát + thở yên vui”. Từ đó, ông đi vào giải thích từ, theo Từ điển tiếng Việt, từ “lùm” có nghĩa là: - Đám cành lá rậm rạp của nhiều cây kết thành vòm rộng. Ví dụ: Ngồi nghỉ dưới lùm tre. - Đống lớn có hình giống như lùm cây. Vd: Từng lùm khói lơ lửng giữa trời. Về mặt ngữ nghĩa, từ “lùm” được các nhà biên soạn từ điển coi là một danh từ nhưng trong cấu trúc danh ngữ, nó có vai trò như loại từ: lùm tre, lùm nhãn, lùm vải, lùm cây… Có nghĩa là, trong các trường hợp này, từ “lùm” không chỉ ra một loài cây cụ thể mà nó chỉ đứng phụ cho danh từ chính để tạo thành một tổ hợp. Trong câu, từ “lùm” không đứng độc lập làm chủ ngữ hay bổ ngữ như các danh từ thực thụ. Ví dụ, không thể nói: - Họ đứng dưới lùm. Hay nói: - Lùm che mát chúng tôi. Mà phải nói: - Họ đứng dưới lùm cây. Hoặc nói: - Lùm nhãn che mát chúng tôi(3).

Tiếp cận cảm nhận

Nghe thế, anh bạn nói: Vậy theo ngữ cảnh đoạn thơ “Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn/ Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi” với những tổ hợp từ: “ô mạ”, “nương khoai” thì câu thơ thứ hai phải nói “ruồng tre” (lùm tre), hiểu theo nghĩa biệu vật mới chính xác, chứ không thể nói “ruồng che” theo nghĩa biểu niệm như sách Văn 10. Khi phân tích ngôn ngữ trong thơ, chịu khó nghiên cứu theo hướng này, giúp cho việc cảm nhận từ và hình tượng thơ có ý nghĩa chuẩn xác hơn, nhất là những tác phẩm được tái bản nhiều lần có những từ không khớp qua những lần in. Hoặc là có thể chỉ ra những lỗi dùng từ không được chuẩn trong tác phẩm thơ của chính tác giả.

(1): Đây là bộ SGK soạn lần thay sách thứ 2, NXB Giáo dục ấn hành hồi năm 1993; (2): Bài Nhớ đồng sáng tác vào tháng 7/1939, in trong tập Từ ấy, sau trích tuyển trong tập Tố Hữu tác phẩm (thơ) NXB Văn học ấn hành năm 1979, cũng in là “Đâu ruồng che mát thở yên vui”; (3): Theo PGS.TS. Hữu Đạt: Nghĩa biểu vật, biểu niệm của từ và việc phân tích chúng trong quá trình tiếp cận hình tượng thơ. (Tạp chí Khoa học ĐHQG H. số 1/2007).

VÕ NGUYÊN

Related articles
Khởi công bể bơi Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi Bình Thuận
BTO-Thiết thực chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn Bình Thuận vừa tổ chức khởi công xây dựng Dự án “Bể bơi Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi Bình Thuận”.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩa từ trong thơ