Với bộ trang phục truyền thống, dù là nữ hay nam khi đến đây, tôi tin, bạn sẽ không thất vọng, bởi có rất nhiều ngôi nhà trên 70 tuổi với lối kiến trúc kết hợp Đông – Tây mang nhiều nét riêng khó lẫn làm nền cho những bức ảnh đậm màu truyền thống có một không hai của mình.
Làng Xuân An nổi tiếng với các nghề truyền thống như bánh hỏi, bún, đặc biệt là bánh tráng bột gạo. Loại bánh được làm từ bao đời, trải qua hàng trăm năm cần mẫn dệt nên thương hiệu “bánh tráng Chợ Lầu” nức tiếng 3 miền.
(Một ngôi nhà kiến trúc Đông – Tây với nhiều họa tiết khá độc đáo của một gia đình hoạt động cách mạng ở Xuân An)
(Một căn nhà 3 mái rất riêng, ngói âm dương, hàng rào gỗ chưa tác động, sửa chữa)
(Một nhà ngũ quan (5 cửa), 2 lói lên bằng bậc tam cấp dù được thay thế phần mái nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp vốn có)
(Làng Xuân An còn có cả những ngôi nhà lầu trăm tuổi, cửa gỗ trầm mặc với thời gian)
Làng nghề truyền thống Xuân An có đình làng Xuân An xây dựng vào cuối thế kỷ 18, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia.
Một làng có bề dày truyền thống văn hóa như vậy ắt hẳn có sự góp sức dựng xây, hun đúc của nhiều gia tộc, dòng họ đậm đầy văn hóa.
Một ngôi nhà cổ được phục chế khá nguyên bản
Dù chịu tác động của việc chỉnh trang đô thị, đường mở rộng hơn, nhà hiện đại thay thế dần nhưng làng Xuân An vẫn còn vài chục ngôi nhà cổ. Có nhà còn nguyên dáng vẻ dù bị bào mòn ít nhiều do thời gian; có nhà sửa chữa một phần; có nhà được phục dựng mới hoàn toàn. Song, mỗi nhà là một nơi thờ tự là một câu chuyện dài thấm đẫm tầng tầng văn hóa gia đình, dòng tộc.
Giới trẻ trải nghiệm chốn này không chỉ có những bức ảnh “hoài cổ” lạ, đẹp mà còn tích lũy được ít nhiều về lịch sử địa phương, về kiến trúc và cả về giá trị sống cho bản thân mình…
Nhà thờ họ Võ vẫn ngũ quan với mặt tiền khá lạ mắt so với những nhà khác