Thanh long Bình Thuận đi Nhật

17/01/2022, 08:45

BX- Việc trái thanh long Bình Thuận đã được Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại xứ sở Mặt trời mọc vào cuối năm 2021 đã “bật đèn xanh” thêm cho trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu.

Sản phẩm lợi thế Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ 2 của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật, sau vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

tl-do-2-.jpg
Thanh long đỏ Việt Nam ở thị trường New Zealand.

Chỉ dẫn địa lý thứ 2 của Việt Nam ở Nhật

“Đất nước công nghiệp phát triển Nhật Bản thẩm định, đánh giá sản phẩm nông nghiệp vào thị trường họ rất nghiêm ngặt. Các cơ quan chức năng tỉnh tuân thủ chặt chẽ quy định nước này khi xúc tiến thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long. Qua hơn 3 năm liên tục bổ sung tài liệu liên quan theo yêu cầu phía MAFF. Đoàn chuyên gia sở hữu trí tuệ Nhật Bản đã sang khảo sát thực tế, đánh giá điều kiện sản xuất thanh long ở tỉnh ta, trước khi chấp thuận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho thanh long Bình Thuận. Việc thanh long Bình Thuận được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật có ý nghĩa khẳng định uy tín sản vật đặc trưng này, từ đó sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng xuất khẩu đến các thị trường khác” - bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) cho biết.

Theo quy định pháp luật chỉ dẫn địa lý của Nhật, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận phải nộp báo cáo hàng năm tới MAFF về kiểm tra quá trình sản xuất thanh long cho phía Nhật theo dõi. Họ cũng có thể sang giám sát trực tiếp một số trang trại trồng thanh long của tỉnh trong quá trình ấy, để việc bảo hộ chất lượng trái cây luôn được đảm bảo. Bởi vậy các đơn vị chức năng, doanh nghiệp, nhà vườn trong tỉnh phải đáp ứng các yêu cầu trồng trọt, xuất khẩu trái cây tươi vào Nhật Bản nói riêng và thị trường khó tính khác như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand nói chung.

Trông chờ xuất khẩu trực tiếp

Hiện toàn tỉnh có 33.750 ha thanh long, sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Trong số này hơn 16.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hơn 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tập trung chủ yếu tại các trang trại có diện tích lớn. Khá nhiều trang trại đang đầu tư chăm sóc lứa thanh long sạch chong đèn để kịp thu hoạch cuối năm Tân Sửu, bán được giá cho doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh xuất khẩu đi Nhật… Hướng tới, các HTX, trang trại thanh long sạch ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đang trông chờ một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến lớn trong tỉnh đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại xuất khẩu trực tiếp, để tổ chức, cá nhân trồng thanh long liên kết thuận tiện bán sản phẩm vào mỗi đợt thu hoạch, sẽ đem lại hiệu quả hơn cho người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu.

Có thể thấy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật là yếu tố “cần”, các trang trại, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thanh long trong tỉnh tạo thêm yếu tố “đủ” để tăng xuất khẩu chính ngạch thanh long Bình Thuận sang Nhật Bản cùng các thị trường khó tính khác. Qua đó tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm lợi thế nông nghiệp, đóng góp nguồn ngân sách đáng kể cho tỉnh. Mùa xuân đang đến với nhiều trang trại trồng thanh long sạch!

THÁI KHOA

Related articles
Thanh long vào mùa thu hoạch rộ
BT- Theo kết quả rà soát về tình hình sản xuất thanh long tại các địa phương, dự kiến từ nay đến hết tháng 2/2022 có khoảng 15.836 ha/tổng diện tích 33.577 ha thanh long toàn tỉnh (chiếm khoảng 47,1%) đã tiến hành sản xuất, xử lý ra hoa trái vụ. Ước tính, sản lượng dự kiến vài tháng tới khoảng 121.462 tấn. Trong đó, “thủ phủ” thanh long Hàm Thuận Nam có diện tích trồng lớn nhất tỉnh, với gần 15 ha. Trong quý 1/2022, huyện dự kiến thu hoạch khoảng 105.000 tấn.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long Bình Thuận đi Nhật