Đồng lòng trước thử thách
Điểm sáng đầu tiên là trong công tác phòng, chống dịch, chúng ta đã chủ động triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy theo phương châm “4 tại chỗ”. Nhờ vậy tỉnh ta kiểm soát dịch bệnh khá tốt trong điều kiện nguồn vắc xin rất ít. Trong những ngày tháng chống dịch ấy, điều đáng trân quý là đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đã hết sức trách nhiệm, tận tụy, hy sinh vì sức khỏe của nhân dân, nhất là lực lượng tuyến đầu; các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ vật chất, tinh thần cho công tác phòng chống dịch… Chính những nhân tố này đã góp phần củng cố thêm niềm tin, trong vất vả gian nan, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm vượt khó vươn lên của người Bình Thuận càng thể hiện rõ.
Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế tỉnh ta tuy không đạt kế hoạch, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng dương (GRDP tăng 2,77%), tổng sản phẩm nội tỉnh theo giá hiện hành ước 86.723 tỷ đồng, cao hơn năm trước (năm 2020 đạt 2.961 tỷ đồng). Trong khi đó một số tỉnh trong khu vực tăng trưởng âm hoặc mức tăng trưởng thấp hơn tỉnh ta, thì đây là điều đáng ghi nhận. Số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tuy có giảm về số lượng so với cùng kỳ, nhưng tổng vốn đăng ký tăng 24%; có thêm 6 dự án đi vào hoạt động và 2 dự án khởi công; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 81,9%, doanh nghiệp giải thể giảm 30,5%. Điều này cho thấy dù khó khăn trước mắt, nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân vẫn tăng vốn đầu tư, có niềm tin vào tiềm năng phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Có thể thấy 2021, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 -2025, trong điều kiện vô vàn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Khó khăn ấy như một “liều thuốc thử nhiệm kỳ”, nhưng với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó rõ nhất là đã coi trọng công tác dự báo, bám sát thực tiễn, cơ sở; thận trọng nhưng quyết đoán trong ứng phó các tình huống mới phát sinh.
Liều thuốc thử ấy cũng đã chỉ ra sự chủ động, sáng tạo, đổi mới và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, cơ quan chức năng; trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt là đã huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà. Từ đó chúng ta đã vượt qua khó khăn, thử thách, để rồi thêm niềm tin về tương lai phía trước, chúng ta sẽ mạnh mẽ, vững vàng hơn trên con đường phát triển.
Vững tin đưa Bình Thuận cất cánh
Vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên có thể coi là một trong những nguồn lực quan trọng và điểm mạnh của Bình Thuận. Với khoảng cách không quá xa TP. Hồ Chí Minh - trung tâm phát triển lớn nhất cả nước và các tỉnh trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và tiếp nối giữa các tỉnh Tây nguyên, chúng ta đang có lợi thế trong việc kết nối, để khai thác tổng thể các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ đột phá về kinh tế, hiện nay tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả 5 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIV với mục tiêu trọng tâm phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Cùng với tổng thể Khu du lịch quốc gia Mũi Né được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Hiện nay quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2022, cũng là cơ hội cho Bình Thuận hoạch định phương án phát triển.
Bình Thuận hiện có hệ thống hạ tầng giao thông với đa dạng loại hình vận tải. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng quốc gia đã được quy hoạch và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị hoàn thành; Cảng hàng không Phan Thiết, đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang triển khai đầu tư; các trục đường ven biển như đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà) đang đẩy nhanh tiến độ thi công sẽ tạo điều kiện kết nối giao thông đi lại dễ dàng, thuận lợi với các vùng và cả nước, nhất là các vùng kinh tế năng động.
Trong đón nguồn vốn đầu tư trên thế giới tìm đến Việt Nam, một số nhà đầu tư lớn đã tin tưởng lựa chọn đầu tư vào Bình Thuận trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, đô thị… Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 để thích ứng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế… Từ đó tập trung phát triển các ngành: Nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghiệp điện, trở thành Trung tâm năng lượng của quốc gia; dịch vụ cảng biển gắn với hình thành các đô thị, các khu công nghiệp và cung cấp dịch vụ logistics; phát triển mô hình các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; phát triển các đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế… Đây là những yếu tố và niềm tin vững chắc để chúng ta kỳ vọng về một bức tranh kinh tế Bình Thuận đột phá, khởi sắc trong thời gian tới.