Cho con bài học kỹ năng sống

30/12/2021, 06:40

BT- Trong nhóm trẻ thường chơi vào mỗi buổi chiều trước khu dân cư, có một cậu bé khiến tôi phải chú ý. Không phải về ngoại hình cậu to lớn hay nhỏ con so với đám bạn cùng lứa, cũng chẳng phải vì lỳ lợm, mà đơn giản là cậu quá nhút nhát và luôn phải có người lớn đi kèm.

dy-boi1.jpg
Dạy trẻ các kỹ năng bơi lội.

“Hơn 7 tuổi rồi mà tồ lắm”, câu nói mà ba mẹ bé luôn than phiền mỗi lần gặp tôi. Sự “tồ” thể hiện ở việc đã nhiều lần tập xe nhưng đến nay cậu bé đi vẫn chưa đi vững, chưa dám chạy xe một mình và bỏ cuộc sau mỗi lần chẳng may bị té. Thường tỏ ra bực bội, nổi giận mỗi khi thua ở những trận đánh cầu lông, chơi trốn tìm. Chẳng bù cho con tôi và đám bạn cùng chơi, ngày nào mặt mũi cũng nhem nhuốc mồ hôi, bông cỏ dính đầy áo sau mỗi cuộc vui, thậm chí không ít lần trầy tay, xước gối.

Tôi bảo chị hãy “thả” ra, dơ bẩn một tí, chảy máu một tí tự khắc tụi nhỏ rút được kinh nghiệm cho lần chơi sau. Nhưng sự quyết tâm mấy phút trước của người mẹ bỗng bay biến bởi tiếng la thất thanh của cậu bé khi chẳng may chạy xe trượt té. Thì ra thằng bé là con một, từ nhỏ đã được mọi người trong gia đình bảo bọc, cưng chiều. Cũng vì hơn 3 tuổi mới biết nói, thường đau ốm nên sau một vài tháng đến trường vẫn quấy khóc, không chịu ăn uống đã được cho nghỉ hẳn ở nhà để bà ngoại trông nom. Cho đến 5 tuổi thằng bé mới trở lại trường, được tiếp xúc, vui chơi với bạn bè đúng nghĩa.

Cha mẹ nào chẳng thương con. Nhưng liệu sự nuông chiều, bảo bọc quá kỹ của cha mẹ làm cho con cái tưởng mình là cái tâm của vũ trụ, hình thành lối sống ích kỷ, lúc nào cũng phải giành phần thắng về phía mình như vậy có nên không. Chính sự bảo bọc quá chu toàn này đã khiến không ít đứa trẻ mất hết khả năng thích nghi, không biết sắp xếp khi không có cha mẹ bên cạnh.

Trong một lần trao đổi về việc dạy kỹ năng sống và làm gì để trẻ không bị áp lực trong học tập, bà Trần Thị Ngọc Anh – thạc sĩ tâm lý, giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận chia sẻ: Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là việc rất quan trọng, điều này ảnh hưởng tới quá trình hình thành nhân cách trẻ cho đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có suy nghĩ còn nhỏ thì đã biết gì. Nhưng suy cho cùng các hành động đi, viết, ăn, lời nói không phải sinh ra chúng ta đã biết, mà tất cả bắt đầu cũng phải học, lâu dần thành quen, thì kỹ năng sống cũng như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ không chỉ học lý thuyết mà còn phải được trải nghiệm, tập tành thành thạo, giúp trẻ có những bài học thực tế. Trẻ có thể học kỹ năng sống ngay tại nhà. Cha mẹ hãy đặt ra những tình huống giả định để trẻ ý thức được việc nào đúng mới làm, việc nào sai cần phải tránh. Chẳng hạn, khi cha mẹ đến trường đón trễ thì con sẽ làm gì? Giả sử có người lạ đến rủ con đi đâu đó thì con ứng xử thế nào? Còn khi đi cùng người lớn vào siêu thị nhưng chẳng may bị lạc thì có nên chạy đi tìm không hay nhờ sự hỗ trợ của ai?…

Yêu thương con chính là trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết để trẻ có thể xoay xở và ứng biến thích hợp với từng tình huống, hạn chế những va vấp khi bước vào đời.

THỤC ANH

Related articles
Giáo dục lý tưởng và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên
BT- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.

(0) Comments
Focus
La Gi: 
Truy quét, bắt giữ 11 đối tượng liên quan đến ma túy
BTO-Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an thị xã La Gi đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, rà soát phát hiện một số điểm phức tạp về ma túy nên Công an thị xã khẩn trương lên kế hoạch đấu tranh, triệt xóa. Từ chiều ngày 25/12 đến rạng sáng ngày 26/12, Công an thị xã đã phát hiện, bắt quả tang 3 vụ/11 đối tượng có hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho con bài học kỹ năng sống