Ngày 17/8 Công an TP. Phan Thiết bắt giữ Trần Văn Thế và Trần Phi Long, vì hành vi cho vay nặng lãi và rải tờ rơi cho vay tiền tại cầu Cà Ty (Tiến Lợi - Phan Thiết), cả 2 đều từ Ninh Bình vào Phan Thiết hành nghề cho vay tiền góp. Ngày 27/8 Công an TP. Phan Thiết kiểm tra hành chính phát hiện 7 đối tượng đều từ các tỉnh phía Bắc vào Phan Thiết hoạt động cho vay nặng lãi. Ngày 7/9 Công an Phan Thiết tiếp tục phát hiện 3 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, thu giữ hàng vạn tờ rơi “cho vay trả góp”. Đáng lưu ý, khám xét nơi ở trọ của các đối tượng hành nghề cho vay nặng lãi, công an thu giữ nhiều hung khí như bình xịt hơi cay, gậy ba khúc. Tiếp đó ngày 10/9, kiểm tra một nhà cho thuê ở Tiến Lợi (Phan Thiết), công an phát hiện 5 đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi, thu giữ nhiều card “cho vay tiền, giải ngân nhanh” cùng nhiều sổ hộ khẩu của dân...
Nếu cộng dồn từ đầu năm đến nay thì Công an TP. Phan Thiết đã phát hiện, xử lý 70 - 80 đối tượng cho vay nặng lãi, nhưng hoạt động “tín dụng đen” vẫn âm thầm diễn ra. Ở nhiều khu dân cư người dân phản ánh sáng mở cửa ra là thấy tờ rơi quảng cáo “a lô là có tiền” rải trắng ngõ. Đối tượng mà tín dụng đen nhắm tới là những người lao động bị mất việc làm, người buôn bán cần tiền trả tiền thuê mặt bằng, hộ kinh doanh cần vốn để duy trì quán xá, chi tiêu cuộc sống. Do thu nhập người dân giảm sút, nhu cầu vay tiền tăng cao. Vì túng quẫn, nhiều người lao động đã vớ lấy “giải pháp hỗ trợ tài chính nhanh chóng” được quảng cáo trên cột điện trước nhà và rơi vào “bẫy” cho vay trả góp với lãi suất cắt cổ. Mất việc làm, giảm thu nhập, nhiều người vay ngân hàng trả góp còn lao đao, huống gì vướng vào “tín dụng đen”. Trước đây nhiều người vay “nóng” dù lãi cao nhưng vẫn có công việc nên trả được nợ. Năm nay dịch bệnh triền miên, bi kịch ập đến khi mất công ăn việc làm, khoản nợ ngày càng phình to vì “lãi mẹ đẻ lãi con” tới mất khả năng trả nợ, và bị chủ nợ liên tục “khủng bố” tinh thần, đe dọa cưỡng đoạt tài sản trừ nợ. Buôn bán ế ẩm, hàng quán đóng cửa, lại vướng vào tín dụng đen, nhiều hộ kinh doanh đường phố và tiểu thương các chợ cũng đổ nợ.
Gần đây, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh, tín dụng đen thích ứng bằng cách đẩy mạnh hoạt động cho vay online qua app (ứng dụng điện thoại), sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để cho vay - đòi nợ. Loại “tín dụng đen” thời 4.0 này cũng đang hoành hành ở nhiều nơi.
Thời điểm từ nay tới tết, dịch bệnh tạm lắng, nhiều cơ sở, ngành nghề kinh doanh được chính quyền cho phép mở cửa hoạt động trở lại, nhu cầu vốn để phục hồi kinh doanh sẽ tăng. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, nhưng không đủ điều kiện vay vốn từ các ngân hàng thương mại, họ rất dễ bị tín dụng đen bủa vây. Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo mạng lưới ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tăng cường hoạt động tín dụng, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Lực lượng công an tăng cường đấu tranh triệt phá các ổ nhóm hoạt động tín dụng đen, đồng thời báo chí, chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nhận biết các mối nguy hiểm của “tín dụng đen”.
Khôi Nguyên