Thiên tai và nhân tai

22/05/2020, 10:10

BT- Những ngày này, Bình Thuận đang phải gồng mình chống chọi đợt nắng hạn gay gắt nhất trong 10 năm qua. Nắng nóng kéo dài khiến hơn 25.000 hộ với gần 93.000 khẩu thiếu nước sinh hoạt. Nhiều nơi người dân phải đi chở nước, hoặc mua nước từ nơi khác về với giá cao. 

Gần 15.000 ha đất nông nghiệp phải cắt giảm sản xuất, ưu tiên nước cho sinh hoạt. Theo dự báo năm nay mưa trễ, nên những ngày tới hạn hán có thể khốc liệt hơn. Hôm 7/5 Bình Thuận đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2, nhiều biện pháp cấp bách chống hạn đã được triển khai.

Trong lúc cả tỉnh đang dốc sức chống hạn thì dư luận đặc biệt chú ý tới vụ hàng chục ha cây cối tự nhiên và rừng tre lồ ô trên núi Voi (huyện Hàm Tân) bị đốt trụi. Người dân ở đây cho biết vụ cháy âm ỉ cả tháng nay, vào ban trưa nghe tiếng tre lồ ô cháy nổ lốp bốp vọng xuống, vào ban đêm nhìn lên thấy những đám cháy rực sáng trên núi Voi. Hàng loạt cây gỗ đường kính 30 - 40 cm ở sườn núi bị cưa hạ. Có dấu hiệu cho thấy một nhóm người đốt phá cây cỏ trên núi Voi để khai hoang chiếm đất.

Nhìn đồi núi trọc lốc, trơ trọi đá, một người dân địa phương xót xa: Dân chúng tôi rất xót khi thấy họ tàn phá cây gỗ và rừng tre lồ ô trên núi tan hoang, biết bao giờ mới trồng lại được thảm rừng như vậy?

Cảnh tượng xảy ra ở núi Voi khiến tôi chợt liên tưởng tới nạn du canh du cư, đốt rừng làm rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số từ thế kỷ trước. Nhưng đây không phải là những cánh rừng Tây nguyên bạt ngàn, heo hút, mà núi Voi nằm kề QL 55 ngay trung tâm huyện Hàm Tân. Có người còn ví thảm thực vật tự nhiên xanh tươi có cây cối, tre lồ ô này như “lá phổi xanh” của trung tâm huyện. Được biết đất đai và cây cối trên núi Voi thuộc chính quyền thị trấn Tân Nghĩa quản lý. Vì thế dư luận rất ngạc nhiên khi vụ đốt phá trên núi Voi đã cháy âm ỉ cả tháng, mà chính quyền địa phương chưa có động thái quyết liệt nào để ngăn chặn? Mặc dù ai cũng biết hậu quả nhãn tiền của nạn phá rừng là lũ lụt, hạn hán, nắng nóng sẽ càng gay gắt hơn.

Huyện Hàm Tân cũng là một trong những “rốn”  hạn gay gắt ở Bình Thuận. Theo UBND huyện Hàm Tân cho biết hiện nay tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, mực nước ngầm bắt đầu thiếu hụt, các giếng đào, giếng khoan trên địa bàn bị khô cạn, toàn huyện có trên 8.000 hộ, với hơn 21.000 người thiếu nước sinh hoạt. Chính quyền huyện Hàm Tân đang tổ chức chương trình hỗ trợ cấp nước ngọt miễn phí cho dân. Tại các điểm cấp nước, chính quyền dán thông báo người dân chỉ nên lấy nước đủ dùng, để còn chia sẻ cho cộng đồng.

Cách núi Voi không xa lắm, ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam), có những khoảnh rừng bị người ta lén lút khoan lỗ, bỏ hóa chất, thuốc diệt cỏ vào từng thân cây, làm cây rụng lá chết khô hàng loạt. Tình trạng đầu độc rừng để chiếm đất trồng thanh long ở khu bảo tồn thiên nhiên này vẫn chưa ngăn chặn được.

Biến đổi khí hậu làm cho thiên tai hạn hán, lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, cộng hưởng với nhân tai (nghĩa là những tai họa do con người gây ra) nên càng khốc liệt hơn. Thiên tai thì đành chịu, nhưng nhân tai thì chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ, mà phải lên án và kiên quyết ngăn chặn, để bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Đặng Dũng


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiên tai và nhân tai