Thách thức trong phòng chống mại dâm

29/06/2018, 08:51

BT- Ở Phan Thiết có con đường dày đặc bảng hiệu “cafe võng”, “cafe chòi”, mỗi khi màn đêm buông xuống vô vàn dây đèn xanh-đỏ lại nhấp nháy như mời gọi khách qua đường.

Trên đường phố, thỉnh thoảng lại bắt gặp một thanh niên phóng xe như bay, trên xe có vài ba cô gái trẻ ăn mặc thiếu vải, ai cũng hiểu đó là dịch vụ “điều đào” tới phục vụ các “thượng đế” các quán karaoke, bia ôm...

Bình Thuận sau 20 năm phát triển mạnh du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” như: karaoke, massage, hớt tóc thanh nữ, cafe đèn mờ, nhà trọ, nhà nghỉ... mọc lên như nấm. Thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 2.229 cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, với hơn 7.500 lao động nữ. Có trên 500 người có biểu hiện hoạt động kích dục, bán dâm (nhất là tiếp viên trong các cơ sở karaoke, massage). Ngoài ra, một số lượng lớn “gái bán hoa” từ các nơi dạt về Bình Thuận làm ăn.

Mại dâm không chỉ gia tăng ở các thành phố, khu du lịch, mà còn len lỏi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (đã có trường hợp bán dâm là người dân tộc bị xử phạt hành chính). Bình Thuận cũng đang cùng cả nước hội nhập quốc tế và khu vực, là điều kiện để các đường dây hoạt động mại dâm xuyên quốc gia hình thành. Xuất hiện nhiều hình thái mại dâm như: gái gọi, du lịch tình dục, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người nước ngoài bán dâm, người chuyển giới bán dâm... Các tụ điểm mại dâm công khai, lộ liễu nơi công cộng đã giảm, nhưng hình thức môi giới mại dâm qua mạng như Zalo, Facebook ngày càng phổ biến và rất khó phát hiện. Đây thực sự là thách thức lớn cho công tác phòng, chống mại dâm của các ngành chức năng.

Năm vừa qua, lực lượng kiểm tra liên ngành trong tỉnh đã thanh, kiểm tra 131 cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, phát hiện nhiều vi phạm như: kinh doanh không giấy phép, không đảm bảo ánh sáng (đèn mờ), sử dụng tiếp viên quá số lượng quy định, sử dụng nhạc tiếng ồn quá mức quy định, hoạt động quá giờ quy định...

Công an các địa phương và Đội phòng chống tệ nạn xã hội cũng triệt phá được 14 vụ/72 đối tượng (15 chủ chứa, 2 môi giới, 30 người mua dâm, 35 người bán dâm), xử phạt hành chính nhiều người và truy tố 10 chủ chứa mại dâm.

Nhìn chung, hình thức xử lý mại dâm vẫn chủ yếu là phạt hành chính (phạt tiền người bán dâm từ 100-300 ngàn đồng, người mua dâm từ 500.000-1 triệu đồng) chưa đủ sức răn đe.

Hoạt động mại dâm diễn biến ngày càng tinh vi, nhiều biến tướng, núp bóng, trá hình. Người bán dâm không chỉ là những cô gái nghèo đứng đầu đường góc phố, mà cả các “đường dây” diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng. Thống kê chưa đầy đủ: cả nước có trên 500 tụ điểm, địa bàn “nóng” về mại dâm, trên 4.800 cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” nghi hoạt động mại dâm. Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): ước tính Việt Nam có trên 100.000 người bán dâm, trong đó nữ 75.000 người.

Do công tác phòng chống mại dâm ngày càng khó khăn, thách thức, gần đây có đề xuất quy hoạch các cơ sở dịch vụ “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn vào một khu riêng, để dễ quản lý (tương tự lập phố đèn đỏ). Nhiều ý kiến đề nghị hợp thức hóa mại dâm (coi mại dâm như một nghề). Tuy nhiên còn rất nhiều người băn khoăn về hiệu quả, cũng như hậu quả xã hội của đề xuất này.

Trên thế giới hiện có 3 xu hướng ứng xử với mại dâm là: hình sự hóa mại dâm, hợp pháp hóa mại dâm và phi hình sự hóa hoạt động mại dâm. Việt Nam sẽ đi theo xu hướng nào? Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự luật phòng, chống mại dâm (thay thế cho Pháp lệnh phòng chống mại dâm năm 2003) để trình Quốc hội vào cuối năm nay. Dự luật này chắc chắn không thể tách rời cơ sở văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Để phòng chống mại dâm hiệu quả, dư luận đang mong chờ Việt Nam sớm có Luật phòng chống mại dâm.                    

Khôi Nguyên


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức trong phòng chống mại dâm