Xăng dầu liên tục tăng giá khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân thiệt hại “kép”. |
Thiệt hại “kép”
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 26/6, xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 752 đồng/lít, vọt lên gần 21.000 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 712 đồng/lít, dẫn đến mức bán lẻ loại xăng này gần 20.000 đồng/lít. Việc xăng dầu tăng giá trong thời điểm cả nước căng mình chống dịch Covid – 19 khiến dư luận bất an và người dân lo ngại giá cả một số mặt hàng sẽ bị đẩy lên cao và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vận tải phải chịu thiệt hại “kép”. Ảnh hưởng trực tiếp nhất có lẽ là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Cuối tháng 3/2021, xăng dầu đã có đợt tăng giá. Đây cũng là thời điểm các HTX vận tải, cơ sở kinh doanh hoạt động xe du lịch, xe hợp đồng, xe khách, xe buýt, taxi chỉ được phép vận chuyển tối đa 50% số lượng khách theo số lượng ghế ngồi của xe để phòng chống dịch. Vì thế, nhiều đơn vị buộc ngưng hoạt động vì không thể bù lỗ do chi phí tăng cao.
Bên cạnh đó, chủ các nhà xe chuyên chở hàng hóa từ Bình Thuận vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây như Kiều Hối, Tâm Hạnh, Phương Trang… đều thấp thỏm, vừa chống dịch vừa đối mặt khó khăn chồng chất khi xăng dầu tăng giá liên tục. Chủ các hãng xe này đều cho biết: Đang dịch bệnh, người dân cũng rất khó khăn, tuy nhiên nếu không tăng cước phí vận chuyển 30 – 50%, doanh nghiệp đang hoạt động ở mảng này chỉ có thể bù lỗ. Giá xăng dầu liên tục tăng khiến các nhà kinh doanh đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng. Trong đó, các công ty vận tải chịu áp lực rất lớn do giá xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí đầu vào.
Tương tự, dịch vụ giao nhận hàng hóa, xe ôm cũng ảnh hưởng không nhỏ. Anh Trần Thanh Hưng (phường Phú Trinh) - nhân viên giao hàng của một công ty cho biết, với mỗi đơn hàng giao thành công, nhân viên giao hàng sẽ được công ty trả khoảng 7.000 – 10.000 đồng, còn lại tiền xăng xe hay điện thoại phải tự chi trả. Do đó, giá xăng tăng mạnh đã tác động không nhỏ đến việc mưu sinh của anh. “Trước đây, tôi tranh thủ giao được nhiều đơn, cũng kiếm được 300.000 – 400.000 đồng/ngày. Nay giá xăng tăng, nên trừ chi phí, tôi chỉ kiếm tầm 200.000 đồng/ngày, mà suốt ngày chạy ngoài đường rất vất vả, vừa lo dịch bệnh vừa lo mưu sinh” - anh Hưng nói.
“Té nước theo mưa”
Biến động giá xăng dầu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Theo một số tiểu thương ở chợ Phú Thủy, giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà sau đó chừng 3 – 4 tuần. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng dầu tăng liên tục, giảm rất ít, nên các mặt hàng rau củ, quả vận chuyển từ Đà Lạt và nhu yếu phẩm đã bắt đầu tăng nhẹ, khiến tiểu thương bán cũng khó, mà người tiêu dùng khó khăn gấp bội trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp này. Bình Thuận đang trong giai đoạn giãn cách xã hội, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh và liên tỉnh đến các vùng có dịch đang tạm ngưng hoạt động, nên phần nào ít ảnh hưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đang bị tác động mạnh. Trước mắt, các công ty buộc phải cân đối các khoản chi phí phát sinh, gom thêm “đầu việc” cho nhân viên để giảm bớt nhân sự, tiết kiệm chi phí vận hành.
Lâu nay, luôn có một nghịch lý, giá xăng dầu tăng, mọi mặt hàng đều có cớ tăng lên, nhưng khi mặt hàng này biến động giảm, thì mọi thứ “án binh bất động” khiến người tiêu dùng, nhất là những lao động tay chân đang thất nghiệp trong mùa Covid-19 rất chật vật. Vì thế, để hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”, lạm phát ngành quản lý thị trường và các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Đặc biệt, việc cần làm lúc này là thực hiện tốt một số biện pháp, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở tỉnh ta và phòng ngừa các loại bệnh khác. Đây sẽ là tiền đề tốt nhất cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng thời gian tới.
Theo Cục Thống kê tỉnh, hoạt động giao thông vận tải 6 tháng đầu năm 2021 không được thuận lợi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngành vận tải phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và vận tải hành khách. Vận tải hành khách, vận chuyển hơn 7.300 hành khách, giảm 2,86% so với cùng kỳ năm 2020. Vận tải hàng hóa, toàn tỉnh đã vận chuyển hơn 4.079 tấn hàng hóa, tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước. |
Minh Vân