Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới ngày một nhiều và cường độ mạnh hơn đã làm tình trạng sạt lở bờ biển ở Bình Thuận ngày càng nghiêm trọng. Hầu hết các vị trí bị sạt lở đều bị mở rộng thêm, gia tăng mức độ nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ để xử lý khẩn cấp những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Kè biển Đồi Dương - Thương Chánh. Ảnh: Kiều Hằng |
Đầu tư bằng vốn ngân sách
Việc đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước để xây dựng kè chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầu tiên vào năm 1997. Theo đó, giai đoạn 1997-2018 đã đầu tư được 21,03 km kè, trong đó kè kiên cố 15,88 km và kè tạm (bằng đá hộc, rọ đá) là 5,15 km. Tiếp theo, từ năm 2019-2020 đã đầu tư được 4 dự án kè từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo chủ trương hỗ trợ các dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông khu vực miền Trung, tổng chiều dài kè 1.800m, tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Tiến độ hiện nay, 4 dự án kè bảo vệ bờ biển đã hoàn thành và bàn giao công trình cho địa phương quản lý, sử dụng như kè chống sạt lở bờ biển khu phố 12, 13 và 14 thị trấn Liên Hương; kết hợp nạo vét cửa Liên Hương, kè chống sạt lở bờ biển phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, kè chống sạt lở bờ biển khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, kè bảo vệ khu dân cư phường Phước Lộc, thị xã La Gi. Đến nay, toàn tỉnh có 22,83 km kè biển được xây dựng, trong đó kè kiên cố 17,68 km và kè tạm 5,15 km.
Đến xã hội hóa
Bên cạnh kè được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, một số chủ cơ sở du lịch đã đổ và làm kè tạm túi cát, như: Khu du lịch (KDL) Hàm Tiến – Mũi Né, đến nay tổng cộng có 11 cơ sở du lịch làm kè tạm túi cát. Riêng đoạn bờ bao quanh núi Cố, Phú Hài, một số du lịch đã làm kè mỏ hàn đá đổ để tạo bãi, bao gồm: KDL Cát Trắng, KDL Phú Hải, KDL Romana, KDL Vách đá, KDL Nhất Viên...
Hiện nay, UBND tỉnh đã đồng ý cho lập đề án “Nghiên cứu đánh giá thực trạng xói bồi, dự báo xu thế và đề xuất giải pháp tổng thể chống xói lở, khôi phục bãi cho cung bờ Mũi Né – Đá Ông Địa”. Do khó khăn về bố trí vốn và ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên đề án vẫn chưa triển khai. Được biết, giai đoạn 2021-2025, Bình Thuận tiếp tục huy động vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương xây dựng kè kiên cố, sử dụng vốn ngân sách tỉnh đối ứng và nâng cấp, sửa chữa kè.
Và trong thời gian đến
Về đầu tư kiên cố, hiện đã có 6 dự án kè được Trung ương bố trí vốn đầu tư, dự kiến triển khai 3 năm từ năm 2021 đến 2023; bao gồm: 4 dự án kè biển theo Nghị quyết 797/2019 của Quốc hội, được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 08/2020: tổng mức đầu tư 204 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 175 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 là 29 tỷ đồng (đã phê duyệt 3 dự án đầu tư). Gồm: Kè chống sạt lở bờ biển phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết - đoạn từ Khách sạn Hoàng Ngọc đến K0+640, nối tiếp vào tuyến kè giai đoạn 1 đã thi công dài 640 m, tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ biển khu phố 12, 13 và 14 thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, đoạn từ K0+450 đến K1+000, nối tiếp vào đoạn kè giai đoạn 1 đã thi công: dài 550 m, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng; kè bảo vệ khu dân cư phường Phước Lộc, thị xã La Gi (giai đoạn 2): gồm 2 phân đoạn đê dài 160m/cái, đặt cách nhau 80 m, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng; kè bảo vệ bờ biển phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết: 1.050 m, tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng, đã được Trung ương bố trí vốn 50 tỷ đồng.
Hiện nay tỉnh chủ yếu bố trí vốn đối ứng với nguồn hỗ trợ của Trung ương để đầu tư mới các công trình kè. Đồng thời đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình kè: Dự án nâng cấp, sửa chữa kè Đồi Dương – Thương Chánh: dài 1.630 m, vốn đầu tư 65 tỷ đồng; Dự án sửa chữa kè biển Phước Thể, huyện Tuy Phong: chiều dài sửa chữa 750 m, vốn đầu tư 10,552 tỷ đồng. Ngoài ra, còn thực hiện đầu tư các công trình kè tạm tại các khu vực bị sạt lở khẩn cấp chưa xin được vốn hỗ trợ từ Trung ương.
Về tổng thể, Bình Thuận đã xin vốn Trung ương hỗ trợ để đầu tư 6 dự án kè biển với tổng chiều dài 6.122 m; dự kiến quý 3/2021 đồng loạt triển khai thi công và hoàn thành năm 2023. Tổng vốn đầu tư xây dựng 479 tỷ đồng; trong đó vốntrung ương đã bố trí 235 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh và vốn trung ương hỗ trợ chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 là 244 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số kè biển mang tính bức xúc đang tiếp tục xin vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tổng chiều dài kè 5.771m với tổng nhu cầu vốn 467,5 tỷ đồng; bao gồm: Kè bảo vệ bờ biển xã Tân Tiến, thị xã La Gi dài 2.071m, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng; kè bảo vệ khu dân cư thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam: dài 1.200 m, tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng; kè bảo vệ bờ biển xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong: dài 1.000m, tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng; kè bảo vệ bờ biển xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong dài 700m, tổng mức đầu tư 52,5 tỷ đồng; kè bảo vệ bờ biển xóm 1B xã Phước Thể, huyện Tuy Phong dài 800m, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng.
2 dự án kè biển được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 14/2020 với tổng mức đầu tư 275 tỷ đồng; trong đó vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 đã bố trí 60 tỷ đồng và vốn giai đoạn 2021- 2025 là 215 tỷ đồng; gồm: Dự án kè bảo vệ bờ biển xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong dài 1.000 m, tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng, đã bố trí 20 tỷ đồng, vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 59 tỷ đồng); Dự án kè bảo vệ thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, dài 2.532 m, tổng mức đầu tư 196 tỷ đồng, đã bố trí 40 tỷ đồng, vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 156 tỷ đồng. |
C.Nam – T.Long