Góp ý cụ thể về thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 10), đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung khoản 1 dự thảo theo hướng quy định cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp ngoài việc được thuê nhà lưu trú công nhân cho người lao động của mình ở, còn được thuê nhà ở xã hội cho công nhân của mình để ở (đối với các khu công nghiệp không có nhà lưu trú công nhân).

Vì hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp là đối tượng có nhu cầu lớn, cần tạo điều kiện cho thuê nhà ở xã hội nhằm ổn định chỗ ở cho công nhân lao động, đặc biệt các doanh nghiệp cần nhiều lao động; thực tế hiện nay nhiều khu công nghiệp đã đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân sẽ không đầu tư nhà lưu trú công nhân nữa. Nếu chỉ quy định doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp chỉ được thuê nhà lưu trú công nhân thì trường hợp khu công nghiệp không có nhà lưu trú công nhân mà chỉ có nhà ở xã hội cho công nhân thì doanh nghiệp sẽ không được thuê.
Do vậy, khoản 1 Điều 10, đại biểu đề nghị sửa lại như sau:
“1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp), cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở. Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân hoặc thuê nhà ở xã hội cho công nhân (đối với các khu công nghiệp không có nhà lưu trú công nhân) để cho người lao động của mình ở. Trường hợp người lao động là người nước ngoài thì phải thực hiện tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.”.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cũng thống nhất với một số đại biểu đánh giá đấy là một chính sách hết sức nhân văn cho đối tượng hết sức đặc thù. Tuy nhiên, nếu chúng ta không kiểm soát được giá bán, giá thuê thì hiệu quả của chính sách sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ có phương cách kiểm soát thật tốt để đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, Nghị quyết đặt mục tiêu góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, đặc biệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, kể cả nhóm chịu tác động từ việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phạm vi áp dụng trên toàn quốc, đối tượng là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng, sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở lực lượng vũ trang. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8/2025 và thực hiện trong thời gian 5 năm.
Dự thảo không tạo thêm thủ tục hành chính mới, mà tập trung cắt giảm những thủ tục không cần thiết, giúp rút ngắn đáng kể thời gian triển khai các dự án nhà ở xã hội. Một trong những cơ chế nổi bật là lựa chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu. UBND cấp tỉnh có thể giao trực tiếp hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án, riêng đối với dự án dành cho lực lượng vũ trang, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với địa phương thực hiện. Giải pháp này dự kiến rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục xuống tối đa 75 ngày, giảm khoảng 70% so với quy trình hiện hành.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, như bỏ yêu cầu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, miễn giấy phép xây dựng đối với dự án áp dụng thiết kế mẫu hoặc thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước công bố. Theo tính toán, nếu các cơ chế, chính sách này được Quốc hội thông qua, thời gian triển khai dự án nhà ở xã hội có thể rút ngắn 70–90%, tương đương 375–525 ngày so với hiện nay. Đây được kỳ vọng là giải pháp quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021–2030”, qua đó tạo điều kiện để người dân sớm tiếp cận nhà ở phù hợp, cải thiện đời sống và góp phần hoàn thiện các mục tiêu phúc lợi xã hội.