Đây là tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng, dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng ngày càng gay gắt, khó kiểm soát.

Quyết liệt, đột phá trên tất cả các lĩnh vực
Trước bối cảnh đó, đại biểu đánh giá cao tinh thần tiếp tục đổi mới, chỉ đạo điều hành quyết liệt, đột phá trên tất cả các lĩnh vực của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và địa phương. Trong một khoảng thời gian ngắn, ngay trong quý I/2025 cả hệ thống chính trị đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, về kinh tế, tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020–2025. Cụ thể: quý I/2020 đạt 3,21%; quý I/2021 đạt 4,85%; quý I/2022 đạt 5,42%; quý I/2023 đạt 3,46%; quý I/2024 đạt 5,98%; và quý I/2025 đạt 6,93%. Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, sự chỉ đạo sát sao, đột phá và đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng hai con số, trong đó có 9 địa phương nổi bật như Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hà Nam. Hai đầu tàu kinh tế là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có mức tăng trưởng lần lượt là 7,51% và 7,35%. Riêng tỉnh Bình Thuận, trong bối cảnh chung của cả nước và những khó khăn, thách thức đang đặt ra, đại biểu khẳng định với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt mức tăng trưởng GRDP quý I/2025 ước đạt 8,1% – là mức cao, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của địa phương.

Đại biểu cũng ghi nhận những điểm mới trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội và các động lực phát triển đất nước, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, việc triển khai nghị quyết này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương, trong đó có Bình Thuận, đều triển khai rất quyết liệt. Mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 đã được hệ thống chính trị đặt ra và hướng tới. Riêng trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc, đại biểu cho biết đã phát động phong trào thi đua với sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức chính trị – xã hội và các sở, ban, ngành của tỉnh để cụ thể hóa bằng các chương trình, chỉ tiêu cụ thể. Đại biểu khẳng định, nếu tỉnh nào không đạt chỉ tiêu tăng trưởng này thì xem như hoạt động còn nhiều hạn chế, cần nhìn nhận lại trong công tác điều hành.
Cùng với đó là việc triển khai hàng loạt công trình, dự án tiêu biểu: đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc khác; chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam và tuyến Lào Cai – Hải Phòng cũng đang được thực hiện quyết liệt. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được xác định sẽ vận hành vào năm 2030–2031. Ngoài ra, cả nước đã khởi công và khánh thành đồng loạt 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại biểu cho rằng đây là những dấu ấn quan trọng, tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn xã hội, nhất là từ các hoạt động tiêu biểu được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận – cho biết: Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và thống nhất rất cao về việc chính thức xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
An sinh lan tỏa
Về chính sách an sinh xã hội, đại biểu nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để triển khai quyết liệt việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Mục tiêu đặt ra là trong năm 2025, phải hoàn thành 100% việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Đối với tỉnh Bình Thuận, đến cuối tháng 4, tỉnh đã hoàn thành 100% việc xây dựng lại nhà cho các hộ dân có tên trong danh sách cần hỗ trợ. Không dừng lại ở đó, tỉnh tiếp tục đặt quyết tâm cao, phấn đấu đến ngày 30/6 sẽ hoàn thành dứt điểm việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ đặc biệt khó khăn còn lại.
Đối với chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, đại biểu đánh giá đây là một chủ trương hết sức cần thiết, nhận được sự quan tâm và đồng thuận lớn từ cử tri và Nhân dân. Một nội dung nổi bật khác được đại biểu nhấn mạnh là chủ trương miễn học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông. Đại biểu cho biết chủ trương này đang tạo hiệu ứng lan tỏa rất rộng, được Nhân dân hưởng ứng, đồng thuận rất cao. Đại biểu mong muốn chính sách này cần sớm được triển khai thực hiện ngay trong năm học mới sắp tới.
Về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đại biểu cho rằng thời điểm ban hành các chính sách hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế là rất phù hợp. Đại biểu đánh giá rất cao việc này, vì đã kịp thời hỗ trợ cho những đối tượng chịu tác động trong quá trình sắp xếp. Tuy nhiên, đại biểu cũng chia sẻ rằng vẫn còn có những tâm tư, lo lắng trong đội ngũ cán bộ, nhất là liên quan đến cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở, rồi các chế độ, chính sách sau sắp xếp. Mặc dù Nhà nước đã ban hành hai chính sách rất đặc biệt – đó là Nghị quyết số 177 và 178, hiện nay các tỉnh, thành đang khẩn trương triển khai thực hiện, nhưng đến thời điểm này vẫn còn gặp khó khăn. Đối với hệ thống Mặt trận Tổ quốc, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn nhiều vướng mắc, lúng túng, nhất là ở cấp cơ sở. Do đó, đại biểu đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các hướng dẫn cụ thể hơn nữa, rõ ràng hơn để các tỉnh, nhất là cấp cơ sở có thể thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Ngăn chặn hàng giả, cuộc gọi lừa đảo
Bên cạnh đó, qua theo dõi thực tế và tiếp xúc cử tri, đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng nhất là tình trạng hàng giả đang diễn ra tràn lan. Đặc biệt là hàng hóa thiết yếu liên quan đến sức khỏe người dân như: sữa giả, thuốc giả, gạo giả, muối có vi nhựa… Đại biểu đặt câu hỏi: “Việc quản lý chất lượng những mặt hàng thiết yếu này hiện nay như thế nào?” và đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích rõ hơn, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý thị trường, đảm bảo an toàn cho người dân.
Một bức xúc khác hiện nay là tình trạng tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo lan rộng. Trong kỳ họp thứ Tám, Quốc hội cũng đã chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này, và đại biểu thấy rất nhiều nội dung đã được nêu ra. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hiện tượng người dân, cán bộ nhận tin nhắn, cuộc gọi từ các đối tượng tự xưng là cán bộ ngành thông tin, công an. Đại biểu mong muốn các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong xử lý, nghiêm minh, làm rõ và ngăn chặn tình trạng này.
Về chuyển đổi số, đại biểu cho rằng, hiện nay cấp xã, cơ sở đang rất thiếu thiết bị, cơ sở vật chất để thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập các tỉnh, việc sắp xếp lại bộ máy, nhân sự, thì đội ngũ cán bộ ở lại tại địa phương, nhất là những người tiếp cận trực tiếp với Nhân dân, sát dân, gần dân cần được quan tâm hỗ trợ, nhất là về điều kiện làm việc. Việc tăng cường công tác họp trực tuyến với các địa phương sau sáp nhập cũng đòi hỏi hạ tầng trang thiết bị phải đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, kinh phí thường xuyên không đủ. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng rất khó khăn, không có nguồn để mua sắm thiết bị. Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện được chuyển đổi số, triển khai công nghệ thông tin, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57, đại biểu đề nghị cần có sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ việc mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ cụ thể cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.