
Đội ngũ lớn mạnh, tác phẩm ngày càng phong phú
Những ngày đầu, lực lượng hội viên Hội VHNT của tỉnh được hình thành từ các nguồn: Ở chiến khu về, từ miền Bắc tăng cường một ít, lực lượng tại chỗ vẫn là chủ công (bao gồm cả những tác giả đã từng hoạt động văn học từ trước ngày 30/4/1975 ở miền Nam). Giai đoạn này, các nhà văn, nhà thơ từng gắn bó với chiến trường Khu VI như Giang Nam, Nam Hà, Nguyên Nam, Phan Minh Đạo, Hồ Phú Diên luôn ưu tiên, gởi cho Tạp chí của Hội những sáng tác mang đậm dấu ấn của mảnh đất cực Nam Trung bộ qua hai mùa kháng chiến. Các nhà thơ Xuân Diệu, Xuân Thiêm, Tạ Hữu Yên, Bảo Định Giang, Cảnh Trà, Văn Đắc… cũng có những tác phẩm mới viết về đất và người Bình Thuận những năm đầu giải phóng khi có dịp ghé thăm. Công tác phát triển hội viên các chuyên ngành luôn được quan tâm đúng mức trong mỗi nhiệm kỳ hoạt động. Đến nay, chỉ tính riêng hội viên chuyên ngành Văn học đã có 106 người, chiếm tỷ lệ 42,51% trên tổng số hội viên Hội VHNT Bình Thuận. Số lượng tác phẩm in chung (các tuyển tập nhiều tác giả) và riêng từng tác giả có thể tính hàng trăm đầu sách, với thể loại khá đa dạng. Có thể nêu một số tuyển tập tiêu biểu như: Tuyển tập 20 năm Văn học Bình Thuận (1982-2002), Thơ Bình Thuận sau 1975, Văn Bình Thuận sau 1975, Thơ Bình Thuận (2010-2015), Văn Bình Thuận (2010-2015), Văn học kháng chiến Bình Thuận, Kỷ yếu 40 năm Hội VHNT Bình Thuận (1982-2022). Tác phẩm in riêng, về văn xuôi, có truyện ngắn, truyện-ký, bút ký, truyện dài, tiểu thuyết, hồi ký, biên khảo, lý luận phê bình, truyện dịch. Về thơ, hầu như hội viên nào cũng có vài tập thơ riêng được xuất bản, trường ca là thể loại khó nhưng vẫn có những tác phẩm đã được công bố. Do khuôn khổ bài viết có hạn nên không thể liệt kê ra hết tất cả các tác phẩm đã xuất bản của hơn 100 hội viên Văn học trong nửa thế kỷ qua. Số lượng các tác giả được giải thưởng văn học của Trung ương và địa phương ngày một nhiều hơn. Chỉ tính trong 6 lần UBND tỉnh Bình Thuận trao giải thưởng VHNT Dục Thanh (5 năm xét tặng1 lần), đã có 33 tác giả với 44 tác phẩm xuất sắc được vinh danh. Từ đây, một số gương mặt văn học tiêu biểu của Bình Thuận lần lượt được đứng vào đội ngũ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Lê Nguyên Ngữ, Đỗ Quang Vinh, Hồ Việt Khuê, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Thị Liên Tâm. Và tháng 4/2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã ra Quyết định thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Bình Thuận, đồng thời chuẩn y Ban Chấp hành lâm thời, do nhà văn Nguyễn Hiệp làm Chi hội trưởng. Ngày 26/2/2025, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Bình Thuận đã tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 và đã bầu nhà văn Nguyễn Hiệp làm Chi hội trưởng, nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm làm Chi hội phó. Viết đến đây, tôi chợt nhớ nhà văn Nguyên Nam. Chính anh là người đầu tiên nói với tôi về ý định thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Bình Thuận, khi anh và nhà thơ Phan Minh Đạo còn tại thế.
Nhiều cây bút kỳ cựu hiện vẫn còn sung sức, không rời tay bút như: Lê Nguyên Ngữ, Phan Chính, Hồ Việt Khuê, Đoàn Vũ, Võ Nguyên, Nguyễn Thị Liên Tâm, Trần Kim Trung, Thái Anh, Nguyễn Phương, Nguyễn Duy Sinh, Ngô Đình Miên, Ngô Văn Tuấn… Đặc biệt là Nguyễn Hiệp luôn xông xáo đi đầu trong hoạt động sáng tạo, với hàng chục giải thưởng văn học và khối lượng tác phẩm đã xuất bản xếp vị trí tốp đầu của Hội. Bên cạnh đó, đội ngũ tác giả trẻ cũng từng bước được bổ sung, với bút lực dồi dào, biên độ đề tài được mở rộng, phong cách sáng tạo khá đa dạng, mới mẻ. Có thể nêu một số cây bút đầy triển vọng với những tác phẩm vừa trình làng bước đầu đã gây được sự chú ý như: La Văn Tuân, Đặng Ngọc Hùng, Ngân Kim, Nguyễn Thành Tài, Vu Trầm, Phương Uy (Hoàng Lê Diễm Trang), Hồ Xuân Hải, Nguyễn Thị Nhã Vy, Quách Thái Di, Đỗ Thành Danh…
Nhìn lại và suy ngẫm
50 năm trôi qua như một cái chớp mắt của thời gian. Những người lãnh đạo Hội trong các thời kỳ khai mở (tính từ lúc thành lập Ban vận động năm 1982) đã về cõi vĩnh hằng như: Hồ Phú Diên, Nguyễn Tường Nhẫn, Phan Minh Đạo, Nguyên Nam, Nguyễn Trung Bảy (Bảy Trà), Phạm Xuân Thông. Và các cây bút lão thành làm báo, viết văn từng nặng lòng với văn chương Bình Thuận cũng đã rủ nhau về miền mây trắng như: Tô Quyên (Minh Quốc), Phạm Hoài Chương, Trương Công Lý, Thu Lâm (Trần Ngọc Trác), Nhất Liên Hương… Lực lượng hội viên gạo cội phát triển đợt đầu tiên năm 1983, cũng kẻ còn, người mất; người chuyển vào TP. Hồ Chí Minh công tác như Mai Sơn (đã mất), Nguyễn Công Bình (Vũ Văn Bằng), người vì con cái phải ly hương (Lê Nguyên Ngữ, Võ Thị Hồng Tơ), người trở về quê rồi nghỉ hưu sau khi hoàn thành nghĩa vụ tăng cường cho các tỉnh phía Nam (Dương Thế Vinh, Trần Thị Mộng Dần)… Một số hội viên trở về sinh hoạt dưới mái nhà Hội VHNT Ninh Thuận khi địa phương được tái lập vào tháng 4/1992. Tuy cách xa về mặt địa lý nhưng các anh, chị vẫn không quên gửi bài về cộng tác với tạp chí Văn nghệ Bình Thuận - căn nhà văn chương đầu tiên.
Trước đó và nhất là hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, văn học Việt Nam có thêm nhiều thành tựu mới. Một số tác phẩm có nhiều tìm tòi, bứt phá trong sáng tạo được giới chuyên môn đánh giá cao đã được dịch, giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Nhiều Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã bước đầu thu hút sự chú ý của các nhà văn khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư một cách bài bản, mang tầm chiến lược thì về lâu dài, văn học Việt Nam mới có thể đàng hoàng bước ra, góp mặt cùng văn đàn thế giới. Trong một Hội thảo gần đây, chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng thừa nhận: “… 50 năm qua, việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài còn nhiều hạn chế. Ủy ban văn học Thế giới đang tìm kiếm những tiếng nói mới, những vùng đất mới và Việt Nam là một vùng đất tiềm năng”. Chắc chắn, việc tổ chức tổng kết 50 năm văn học, do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì và phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện sẽ đưa ra những đánh giá khách quan, công bằng và cung cấp một cái nhìn toàn cục về nửa thế kỷ văn học trên dải đất hình chữ S. Từ đây, văn học Bình Thuận cũng sẽ tìm ra được những giải pháp hữu hiệu để đồng hành cùng cả nước và dân tộc trên chặng đường sáng tạo thênh thang phía trước.
50 năm - xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến thế hệ tiền bối - những người đã đặt những viên gạch đầu tiên, tạo nền móng cơ bản cho sự nghiệp văn học nghệ thuật Bình Thuận không ngừng phát triển. Về triển vọng tương lai, xin được gửi gắm và tin tưởng vào lực lượng nhà văn trẻ; không chỉ về học vấn, tài năng sáng tạo mà còn là khả năng tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại thời 4.0 - tạo hậu thuẫn đắc lực cho việc phổ biến rộng rãi tác phẩm. Hy vọng, trong một ngày không xa, văn học Bình Thuận không chỉ đóng góp thiết thực cho văn học nước nhà mà còn từng bước vươn ra thế giới. Mong lắm thay!