Câu chuyện về chợ Gò

18/04/2025, 06:42

Kỳ 2: Nhân vật và sự kiện

cho-go-1.jpg

Trong chợ Gò (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) ở ngay chính giữa chợ có một gia đình chuyên buôn bán tạp hóa thuộc vào hàng lớn có tiếng thời đó, là gia đình bà Hòa. So với những hộ nhỏ chung quanh và những người xa đem hàng tới bán tại chợ thì ngôi nhà lớn ở tại chỗ của bà, có lợi thế nhiều nhất. Tiệm tạp hóa của gia đình bà buôn bán đủ tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm thời đó. Sỉ có, lẻ có, bà bán cho nhu cầu của những người ở chung quanh khu vực và cả những khu vực xa hơn như Phú Hội, Trinh Tường. Nhưng rồi cũng theo thăng trầm của thời gian và thế sự, cuộc đời có đổi thay và việc buôn bán của gia đình bà cũng thay đổi. Nhưng điều để lại dấu ấn đậm nét của gia đình bà là ở những người con và cháu của bà. Hai người con trai của bà là Trần Ta và Trần Néo đều là những cầu thủ bóng đá giỏi của đất chợ Gò. Trong đó ông Trần Ta là tuyển thủ quốc gia (miền Nam). Còn ông Trần Néo là tuyển thủ của đội Ngôi sao Phú Trinh, rồi sau đó là tuyển thủ của đội tuyển tỉnh Bình Thuận. Nối tiếp sau này còn có thêm con ông Néo là Trần Thống Khai, tuyển thủ của tỉnh rồi về sau chuyển sang làm huấn luyện viên các đội bóng trẻ của địa phương. Thời trước, những nhu cầu về văn hóa, thể thao còn ít tổ chức nên việc có một sân bóng đá lớn nằm cách chợ Gò vài trăm mét là một điều kiện tốt để tập bóng và phát triển, lôi cuốn cả một thế hệ. Và chắc ai cũng đều còn nhớ đội bóng đá của tỉnh với những tên tuổi để lại khó quên: Néo, Phát, Xây, Kỷ, Chín, Duy Phối, còn lứa sau thì có Thống Khai, Quang, Thắng (thủ môn), Bình ròm, Minh Chuyên. Riêng đặc biệt có một trọng tài khuyết tật (bị cụt một tay) nhưng cầm còi rất chính xác và công tâm. Còn có thêm một nhân vật hết sức đặc biệt là ông Quản Đầu, chuyên về tổ chức sắp xếp các sự kiện bóng đá của địa phương và công tác hậu cần. Có một giai thoại về hai người là Trần Ta và Đỗ Thới Vinh, là dân Phan Thiết đá bóng giỏi được tuyển thẳng vào đá cho đội bóng Cảng Sài Gòn và tất cả đều là dân Phan Thiết, Chợ Gò.

Như đã nói “nhất cận thị, nhị cận giang”. Quanh khu vực chợ Gò đều nằm gần với các cơ quan hành chánh và quân sự, nên tập trung ở những tuyến đường quanh chợ cũng có nhiều ngôi nhà dãy phố, dành cho những gia đình có tiếng tăm làm việc cho chính quyền hay các lĩnh vực khác tập trung ở đó một thời. Trên trục Hải Thượng Lãn Ông, tính từ ngã tư bưu điện đi lên phía bên lề trái, tiệm thuốc Bắc của ông Năm Trình (cha của Duy Phối), đến nhà thờ Tin Lành… Đến ngã tư gặp đường Trần Cao Vân, cùng dãy là garage ông Tư Tân, cơ sở này là chi nhánh của Công ty Lương Hữu, chuyên ngành công chánh và vận tải, là cơ sở sửa chữa và cung cấp hậu cần cho công ty. Thời đó (thập niên 50, 60), công ty đã có 6 xe Dodge, 2 xe ủi, xe lu, 2 xe reo và 2 tàu đánh cá lớn. Đặc biệt, tuyến đường đầu tiên rải đá Phan Thiết - Mũi Né do bà Lục Thị Đậu hợp đồng thuê Công ty Lương Hữu làm theo tiêu chuẩn đường bộ thời đó. Từ đó đi lên mấy căn nữa là đến hẻm lớn vào trung tâm chợ Gò. Đầu hẻm bên này là dãy nhà phố của gia đình bà Hòa, bên kia là nhà bà Phán Ninh. Đi thêm vài căn là đến nhà ông Trần Thiện Chánh (cha của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) năm 1960 bán lại cho người khác rồi dời gia đình qua ở gần xã Châu Thành cũ. Tiếp đến là nhà của ông Phạm Ngọc Bính, Phạm Ngọc Thìn, có nhiều đất ở quanh chợ đều bán hết rồi sang phố Gia Long (Nguyễn Huệ) mua đất cất rạp hát Modern sau đổi thành rạp Ngọc Thúy. Đi lên một chút là nhà ông Tám Tú trọng tài và nhà cầu thủ Minh Chuyên. Đến đường Yersin đi bên hông chợ lên thẳng Lò heo, nơi có cơ ngơi biệt phủ của ông Trần Gia Hòa (Bát Xì). Nếu bên kia sông có ông Thất Ngàn, thì ở bên này sông có ông Bát Xì. (Tháng 2/1888, vua Đồng Khánh cho phép dân giàu có bỏ tiền mua phẩm hàm, hàm cửu phẩm giá 1.000 quan, thêm 1.200 quan thì thêm một bậc). Lên đến ngã ba nhà thương nối đường Lương Ngọc Quyến (Nguyễn Hội) là nhà thuốc bắc Quảng Đắc, rồi đến nhà bà Hoàng Thị Hường, nguyên Hiệu trưởng Trường Nữ Phan Thiết từ năm 1949 đến năm 1975 (là mẹ của nhạc sĩ Phan Anh Dũng). Tiếp theo mấy căn là dãy phố Ba Mươi Căn của bà Lục Thị Đậu bỏ tiền mua đất tự xây rồi cho thuê lại, tiếp đến là sân vận động rồi lên ngã ba Xóm Tỉnh (nơi có Tỉnh đường Bình Thuận).

Ngay nơi ngã tư Trần Cao Vân - Hải Thượng Lãn Ông, đầu đường bên kia ra đến bờ sông lúc đó chưa có cầu (cầu gỗ sau này gọi là cầu Mỹ làm năm 1968, sau tết Mậu Thân). Có một quán phở nổi tiếng thời đó là phở Bà Hài, rồi đến trụ sở ấp Phú Trinh, tiếp đến có dãy nhà cho thuê, có hai gia đình đặc biệt thuê ở một thời gian rồi sau vào Sài Gòn là vợ chồng ca nhạc sĩ Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết với em là Nguyễn Hữu Sáng, cùng vợ là ca sĩ Mỹ Thể chuyên hát phòng trà. Phía sau trên gò cao là Trường Nữ Phan Thiết (nay là Bảo tàng Bình Thuận). Đầu đường ngã tư phía bên này là nhà bảo sanh Phúc Chí (bảo sanh Bà Bảo) có chồng là thầy Bảo dạy Trường Trung học tư thục Bạch Vân. Đi thêm một chút nữa có một gia đình cố cựu rất đặc biệt là gia đình của ông Phan Lý Ngư, với những người con trai toàn lấy tên là Lý như Phan Thiên Lý, Triết Lý, Kinh Lý, Chí Lý, Nguyên Lý, Đổng Lý, Diệu Lý, Chưởng Lý. Qua ngã ba là đến Nhà Thương, tiếp đến là Trường Trung học Bạch Vân, đến cơ quan quân sự Đinh Công Tráng (đối diện sân vận động ). Rồi từ đó đi lên đến Tỉnh đường Bình Thuận là khu đất dành riêng cho Hội tộc người huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, theo chân Tuần phủ Ngô Đình Diệm vào trấn nhậm năm 1936. Bây giờ vẫn còn Hội quán Quảng Điền Tương Tế Hội. Còn xóm ngã ba gần Tỉnh đường, gọi quen là xóm Tỉnh sau gọi là xóm Tỉnh Cũ do Tỉnh đường không còn nữa.

KÝ: NGUYỄN DŨNG

Related articles
Hướng đến “thế hệ đọc”
Cùng với việc bố trí không gian mở dành cho mọi lứa tuổi và các phòng đọc, phòng hội thảo, phòng dành riêng cho thiếu nhi, Thư viện tỉnh Bình Thuận đang ngày càng khẳng định vai trò cầu nối tri thức, góp phần duy trì, hướng đến hình thành một “thế hệ đọc” và xã hội học tập trong tương lai.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (18/4)
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2025): Anh hùng thời chiến, vững tiến thời bình; Phát triển công nghiệp Bình Thuận:Những bước tiến đáng ghi nhận; Đoàn kết, tiến bước vào kỷ nguyênvươn mình của dân tộc; Tự hào 50 năm giải phóng,tiếp bước xây dựng quê hương; Sinh viên khảo sát, nghiên cứu văn học Bình Thuận; Lễ này nhiều người đến Phan Thiết du lịch…là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày18/4/2025. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện về chợ Gò