Sáng nay (6/2), UBND TP.HCM công bố Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư vào TP Thủ Đức.
Theo Đồ án quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt ngày 21/1/2025, TP Thủ Đức có diện tích tự nhiên hơn 21.100 ha, dân số khoảng 2,6 triệu người, là động lực phát triển kinh tế mới của TP.HCM và Đông Nam Bộ.
Tại hội nghị, các nhà đầu tư được giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế và loạt dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Tổng thể có 535 dự án trên địa bàn TP Thủ Đức với 5 loại hình đầu tư, tổng nguồn vốn dự kiến trên 800 nghìn tỷ đồng đã được giới thiệu đến nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các dự án đầu tư này bao gồm nhóm đầu tư theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất; nhóm dự án theo phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); nhóm dự án đầu tư theo phương thức khác theo luật đầu tư và các dự án đầu tư theo nguồn vốn đầu tư công.
Dịp này, TP Thủ Đức cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án phát triển nhà ở trong năm 2024, với tổng vốn đăng ký hơn 33.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, quy hoạch xác định TP Thủ Đức là đô thị loại 1 thuộc TP.HCM, là đầu mối giao thông của vùng Đông Nam Bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa, và là trung tâm phía đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
Đến 2030, quy mô dân số của Thủ Đức khoảng 1,8 triệu người và khoảng 2,6 triệu người đến năm 2040; sau năm 2040 khoảng 3 triệu người.
"TP Thủ Đức qua hơn 4 năm thành lập trở thành đô thị đặc biệt thuộc TP.HCM, nơi tập trung các đầu mối xây dựng, phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tập trung khoa học công nghệ hiện đại. Thủ Đức cũng đã trở thành một trong những TP có quy mô dân số lớn nhất đến 2024, với hơn 1,2 triệu dân.
Đây là thành phố năng động nhất của vùng Đông Nam Bộ với hạ tầng giao thông đồng bộ bao gồm đường thủy, đường bộ, giao thông đô thị hiện đại; kinh tế sôi động với rất nhiều dự án rất lớn tập trung tại đây. Thu ngân sách năm 2024 của TP Thủ Đức đạt 16.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều tỉnh thành phố của cả nước nên cần quy hoạch và phát triển xứng tầm" , Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định.
Phát biểu với các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định Quy hoạch TP Thủ Đức có ý nghĩa rất quan trọng để cụ thể hóa quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2024-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố đầu năm 2025.
Quy hoạch chung TP Thủ Đức với 9 khu vực, 11 trọng điểm phát triển, sẽ là cơ sở để TP Thủ Đức giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước các phân vùng đầu tư cụ thể.
Theo ông Phan Văn Mãi: "Quy hoạch TP Thủ Đức l à cơ hội để phát huy tối đa việc triển khai các cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM; mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho TP Thủ Đức; khẳng định vị thế Thủ Đức là thành phố sáng tạo, tương tác cao, là cực tăng trưởng mới dẫn dắt sự phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM; góp phần xây dựng TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình".
Ông Phan Văn Mãi yêu cầu TP Thủ Đức tổ chức công bố rộng rãi đồ án quy hoạch đến từng phường, khu phố, hộ dân, doanh nghiệp... giúp người dân và doanh nghiệp nắm rõ quy hoạch chung, tạo sự đồng thuận cao để góp phần chung tay thực hiện quy hoạch và các công trình, dự án trên địa bàn hiệu quả; hình thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển hạ tầng số, môi trường sống hiện đại.
Yêu cầu Thủ Đức phải nhanh chóng phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch, đồ án chi tiết, trong đó tổ chức quy hoạch hiện trạng thực tế 9 phân vùng phát triển, để thực hiện theo từng giai đoạn. Khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phân khu chậm nhất đến tháng 9/2025. Đồng thời phải tập trung nguồn lực kêu gọi đầu tư để hoàn thành khu Thủ Thiêm gắn với xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Với khu Trường Thọ, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu TP Thủ Đức phối hợp với Đại học quốc gia TP.HCM hoàn thiện đầu tư khu công nghệ đại học quốc gia và khẩn trưởng thực hiện mở rộng khu công nghệ cao trước 2030.
Cùng với đó là tăng cường hợp tác phát triển với các địa bàn giáp ranh không chỉ các quận huyện của TP.HCM mà với các khu vực có mối quan hệ gắn bó với TP.HCM, như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với phát huy thế mạnh,lợi thế từng địa phương trong phát triển chung của vùng.
Thủ Đức với thế mạnh sẵn có được yêu cầu tập trung đầu tư phát triền nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung khai thác có hiệu quả trí tuệ giáo dục đào tạo để phục vụ mục tiêu phát triển chung TP Thủ Đức và TP.HCM.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào Thủ Đức, TP.HCM. Thành phố cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật. TP.HCM đang lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà đầu tư trong triển khai quy hoạch TP Thủ Đức cũng như TP.HCM đạt kết quả tốt nhất.
TP Thủ Đức được thành lập tháng 12/2020, trên cơ sở diện tích, dân số của quận Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9 cũ. Đây là thành phố đầu tiên của cả nước với mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc TP.HCM.
Theo Đồ án quy hoạch, TP Thủ Đức có tổng diện tích tự nhiên hơn 21.000 ha, là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM. TP Thủ Đức sẽ kết nối trực tiếp với trung tâm TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các khu chức năng trọng điểm phía Đông. Đến 2030, quy mô dân số khoảng 1,8 triệu người và khoảng 2,6 triệu người đến năm 2040; sau năm 2040 khoảng 3 triệu người.
Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng phát triển không gian, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, quy hoạch sử dụng đất… nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh để phát triển trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao. Thủ Đức là khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM, vùng đô thị TP.HCM thông qua các hoạt động kinh tế tri thức; trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.
Không gian thành phố Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng, tương ứng với 11 trọng điểm phát triển.