Chữ nghĩa văn chương từ hương nước mắm…

17/01/2025, 05:44

1. Từ câu ca:

“Nước mắm ngon thượng thủ

Chấm miếng đu đủ lẫn đẫn lờ đờ”…

Phan Thiết vốn là xứ nổi tiếng về nước mắm ngon xưa nay. Ngon từ màu sắc đến mùi vị. Khác biệt chung nhất, dễ nhận thấy nhất của nước mắm Phan Thiết so với các vùng khác là màu vàng rơm (nếu nguyên liệu là cá cơm) hay màu nâu nhạt (cá nục), trong sánh, có mùi thơm nồng và vị ngọt đậm do đạm cao. Khác biệt đó của nước mắm Phan Thiết được giải thích vì quá trình ủ chượp dưới trời nắng và gió - nhiệt độ trung bình cao, độ ẩm thấp tác động tích cực đến cơ chế lên men - điều mà khó có địa phương nào được ưu đãi như vùng cực Nam Trung bộ. Với chiều dài hơn 300 năm lịch sử, nghề làm nước mắm ở Phan Thiết đã thành một nghề truyền thống. Nói đến nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận, không chỉ những người trong nước mà cả nước ngoài cũng biết hương vị đặc biệt thơm ngon đậm đà của nó.

nuoc-mam.jpg
Bến nước mắm ở Phan Thiết trước năm 1945. Ảnh tư liệu.

Song Phan Thiết lại có câu phương ngôn cũng nổi tiếng xưa nay: “Chữ nghĩa văn chương không bằng xương cá mòi”. Câu nói này đã một thời tranh cãi không ngã ngũ. Người thì nói, nói như vậy cho thấy người Phan Thiết không trọng chữ nghĩa văn chương. Kẻ cãi lại, nói như vậy để khoe xứ mình nhiều cá mắm mà tiêu biểu là con cá mòi, con mắm mòi. Ai cũng có cái lý của mình. Bình Thuận là xứ lập thành sau cuối của dải đất Đàng Trong (1697 – đời chúa Nguyễn Phúc Chu), xa Phú Xuân nhưng cũng chưa thuộc về Gia Định, lại mang nặng lời nguyền “cọp Khánh Hòa – ma Bình Thuận”, làm sao mà đem chữ nghĩa văn chương nói chuyện với người. May mà trời cho xứ này “cơm Nai, Rịa (Đồng Nai, Bà Rịa) - cá Rí, Rang (Phan Rí, Phan Rang)”. Qua các các công trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa, các nhà nghiên cứu nước ngoài và trong nước đều đi đến sự thống nhất từ khi cư dân Việt vào khai phá Đàng Trong đã nhận sự tiếp biến văn hóa biển từ người Chăm - cư dân bản địa, có 3 nội dung chính: tục thờ cá Ông, nghề làm nước mắm và đi biển bằng ghe bầu. Từ những tư liệu lịch sử cho chúng ta thấy nước mắm có nguồn gốc từ miền Trung, bắt đầu từ kỹ thuật ủ chượp của người Chăm. Sau khi người Việt di cư đến đã tiếp thu và phát triển thành một nghề truyền thống. Nước mắm lúc bấy giờ đã được người nước ngoài biết đến, dùng thử và đánh giá cao nên ghi chép lại trong các thư tịch. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể tới nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận.

Còn về chiếc ghe bầu, từ ghe bầu gốc của người Chăm đã tiếp biến thành ghe bầu Quảng Nam, rồi vào Bình Thuận trở thành ghe bầu Mũi Né một thời nổi tiếng, chuyên chở những sản vật trên rừng dưới biển của Bình Thuận vào Nam kỳ lục tỉnh và trở ngược ra Trung, ra Bắc, mà sản phẩm chính là nước mắm tĩn Phan Thiết – Bình Thuận.

Nói “nước mắm tĩn” là nói gọn, nói đầy đủ là nước mắm đựng bằng tĩn. Người Phan Thiết đã nghĩ cách làm ra cái tĩn gốm bằng đất sét nung, rồi làm thêm nắp đậy vừa vặn với miệng tĩn, đổ nước mắm vào, rồi hàn gắn lại bằng hỗn hợp keo gồm: vôi trộn nước, dây tơ hồng và mật đường. Tính ra thì mỗi chiếc tĩn gốm cũng nặng tầm 3,7 lít, bên ngoài có buộc thêm dây được bện bằng cọng lá (buông) khô để làm quai xách. Tĩn nước mắm được gánh lên ghe bầu, sắp lớp gọn ghẽ rồi theo đường biển mà chuyển vào Nam, ra Bắc. Ngày nay, người ta đựng nước mắm bằng (ve) chai, đóng thùng giấy có in nhãn hiệu đẹp đẽ, và lâu lâu mới có người nhắc đến cái tên xóm Lò Tỉn nay thuộc thôn Tiến Hiệp, xã Tiến Lợi của thành phố Phan Thiết…

Trở lại với chuyện chữ nghĩa văn chương. Có một kỳ dự Lễ hội Cầu Ngư ở dinh Vạn Thủy Tú, tôi được gặp chú Bảy Văn, một nhà Nho học cư ngụ tại phường Đức Long (nay đã qua đời). Chú thứ bảy và là người chuyên viết văn tế cho các kỳ tế lễ và đọc câu đối văn bia ở các đình, miếu, dinh, lăng trên địa bàn khu vực xung quanh Phan Thiết, nên mọi người gọi chú là chú Bảy Văn.

Hải nhựt giá thương long húc nhựt ngưỡng quan xuân sắc

Sơn trung lai sam phượng tự thiên diêu tích duy tân.

Đó là cặp liên đối chữ Hán đặt tại nhà võ ca dinh vạn Thủy Tú, được chú Bảy Văn phiên âm và phóng dịch như sau:

(Mỗi ngày) nhìn ra biển lúc mặt trời mới mọc đoàn thương (ghe) buôn đua nhau uốn lượn hình con rồng giống cảnh sắc mùa xuân

(Nhìn vào) trong núi từ trời xa một đồng lúa móng phượng theo gió uốn mình lấp lánh như trời ban cho một cảnh mới.

Tôi bỗng giật mình. Có câu đối nào đẹp và hay hơn câu trên, diễn tả cảnh sắc của vùng quê Phan Thiết – Hàm Thuận vào thế kỷ 19 tới nữa đầu thế kỷ 20 bấy giờ đang mở mang giao thương buôn bán, dưới biển tấp nập ghe bầu Phan Thiết – Phú Hài – Mũi Né uốn lượn hình con Rồng chở nước mắm tĩn đi xa. Trên bờ thì cánh đồng lúa Nàng Hương, Nàng Sậu, Móng Chim đã hình tượng thành đồng lúa móng Phượng theo gió uốn mình lấp lánh… Chúng ta cùng đọc tiếp câu liên đối:

Nhứt quốc cư thần thượng tại kinh diêu tam thốn thiệt

Bá gia cốt nhục hà tu xảo dụng lưỡng ban tâm

Và nói với nhau:

Trong một nước người dân nên lấy kinh luân giao tiếp với nhau rất tốt

Mọi nhà muốn giữ tình ruột thịt hàng ngày chớ nên thay đổi tấm lòng.

Lời dặn của người xưa đến nay vẫn còn cho người nay suy ngẫm. Ở đời, nói với nhau điều hay lẽ thiệt từ “ba tấc lưỡi” (tam thốn thiệt), còn ở với nhau chớ có xảo quyệt mà dạ hai lòng (lưỡng ban tâm). Chợt nghĩ chữ nghĩa văn chương ở xứ này tuy ít ỏi nhưng không kém phần “trí tuệ”. Còn nói về văn chương bình dân qua các câu hát, ca dao, tình yêu đôi lứa mà lại gắn trực tiếp với nghề nghiệp “hương thơm nước mắm” của mình trở thành “hương tình yêu” thì cũng không kém phần lý thú. Ví như:

Nước mắm ngon chấm con cá liệt

Em muốn lấy chồng nói thiệt anh nghe.

Trời ạ, con cá liệt chỉ là “long mong liệt méo” vậy mà nấu canh phớt với hành tiêu, chấm với nước mắm Phan Thiết, ăn rồi sẽ biết nó ngon tới mức nào!. Hỏi thì phải đáp chứ sao:

Nước mắm ngon thượng thủ

Chấm miếng đu đủ lẩn đẩn lờ đờ

Em than với anh em còn dại còn khờ

Muốn làm dâu cha mẹ biết nhờ cậy ai.

Thì “ai trồng khoai đất này”. Tuyệt vời ở đây là nấu nồi canh đu đủ với thịt heo, sườn heo (ngày trước phụ nữ sau sinh thường ăn món này để lấy sữa) hoặc chỉ là luột đu đủ hườm chấm với nước mắm Phan Thiết thì quả là lẩn đẩn lờ đờ…

Vào trang giới thiệu “Bảo tàng nước mắm –Làng chài xưa Mũi Né” ta thấy có tư liệu nói về việc vận chuyển nước mắm tĩn từ bờ lên ghe bầu:

“Còn chuyện về lịch sử của những chiếc ghe bầu Phan Thiết – vật dụng giao thương đi lại cũng như chuyên chở nước mắm xuôi ngược khắp nơi, thì nó chính xác được xuất xứ là ghe bầu của xứ Quảng, nhưng khi thâm nhập vào Phan Thiết đã được cải tiến lại bởi những thợ thuyền Mũi Né mà thành ra ghe bầu như bấy giờ. Họ cải tiến để làm sao khi ghe bầu cập bến thường sẽ không cập sát mà cách được bờ vài thước, rồi sau đó người lái ghe sẽ dùng một tấm ván dài để bắc từ ghe lên bờ làm cầu. Bởi thế mới có chuyện khi những người thợ chuyển nước mắm lên ghe bầu, người ta hay dùng một chiếc đòn gánh dài bằng tre, hai đầu đòn phải buộc những chiếc dây dừa thật tốt, mỗi dây chừa một đoạn dài khoảng 30 – 40 cm, đầu còn lại của dây buộc đoạn cật tre nhỏ dài chừng 20cm theo cách buộc chữ T. Để đưa những tĩn nước mắm ngon nguyên chất lên ghe bầu, người ta móc chéo dây tĩn vào đoạn cật tre hình chữ T rồi gánh chạy lên ghe.

Cũng chính vì điều này mà đã xảy ra không biết bao nhiêu chuyện thú vị, đó chính là việc gánh những tĩn nước mắm lên ghe bầu hầu hết được thuê bởi những cô gái lứa mười lăm đôi mươi khỏe mạnh, dẻo dai để gánh trên vai 6 đến 10 tĩn một lúc, chính cảnh tượng này đã khiến không biết bao nhiêu chàng trai mê đắm cái hình ảnh các cô gánh tĩn mắm lên ghe này. Thế rồi cũng có biết bao nhiêu chuyện tình được nảy nở từ đây, từ cái bến ghe bầu chở nước mắm rin mà thành. Có người thì lại tới giúp đỡ các cô rồi tiện thể nói chuyện, có người lại ngại ngùng lỡ dở, cứ thế trở thành những giai thoại của tuổi trẻ không thể nào quên được. Đến nỗi còn có những vần thơ câu chữ còn để đến tận bây giờ vẫn còn nghe:

“Nước mắm ngon nằm sâu đáy hũ,

thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình,

mù u nhuộm thắm bông quỳnh,

bao nhiêu gái đẹp anh không nhìn,

dạ anh chỉ để thương mình em thôi”.

Để khép lại phần I nói về văn chương bình dân này và nhân dịp vui xuân, năm mới tôi xin mưọn mấy câu vần vè của nghệ sĩ Hoài Linh trong bài “Chúc xuân” năm Tân Sửu 2021, năm mà cả nước tập trung cho qua cơn đại dịch. Như chúng ta đã biết, ngoài diễn hài, Hoài Linh còn có giọng ca bài chòi ngọt ngào của xứ Nẫu chúng ta từ Nam - Ngãi – Bình - Phú đi vào Bình Thuận. Nghệ sĩ Hoài Linh có kiến thức lịch sử và địa lý khi chúc tết theo đặc trưng từng tỉnh thành ở Việt Nam. Từ những thành phố lớn, đến vùng núi xa xôi, loạt danh lam thắng cảnh, lịch sử thành lập hay đặc nét riêng vùng miền đều được Nghệ sĩ Hoài Linh đưa vào bài Chúc xuân một cách tài tình. Ngay lập tức, màn chúc tết có tâm nhất Vbiz của Nghệ sĩ Hoài Linh được người hâm mộ "thả tim" và chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Sau hơn 1 giờ đăng tải, bài thơ chúc Tết hơn 7.000 chữ và gần 500 câu của Hoài Linh đã nhận được 86.000 lượt yêu thích, hàng chục ngàn bình luận và hơn 3.000 lượt chia sẻ. Sau đây là phần nghệ sĩ Chúc xuân cho tỉnh Bình Thuận:

Tôi đây lúi húi xuống vùng biển xinh/chúc bà con mình ở tỉnh Bình Thuận/Vừa rồi năm nhuận, dịch bệnh kéo dài/Những việc triển khai chưa được thuận lợi/Phan Thiết chờ đợi, cơ hội đến rồi/Phát triển mạnh thôi, đỉnh cao vươn tới/Bước sang năm mới kính chúc an lành/Thanh Long ngát xanh bội thu, cao giá/Mũi Né khấm khá, khách du lịch về/Phát triển thuyền, ghe Lagi hưng thịnh/Bao nhiêu dự định, ước nguyện đạt thành/Giữ vững được ngành nước mắm truyền thống/Mùi thơm thấm đậm công sức cần lao/Bật lên thật cao giá trị kinh tế/Chúc bà con mé Phan Rí, Long Hương/Vĩnh Hảo cát tường, Phú Quý no ấm. (Còn nữa)

GHI CHÉP: VÕ NGỌC VĂN

Related articles
Hoa tết bộ đội
Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025 đang đến gần. Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh đang chuẩn bị thật tốt để chăm lo cho bộ đội vui xuân. Công tác xây dựng cảnh quan môi trường, tăng gia sản xuất, trồng hoa tết được chú trọng. Các loại hoa được chăm sóc cẩn thận, không chỉ để làm đẹp doanh trại mà còn để gửi gắm tình cảm, trách nhiệm của quân nhân với đơn vị, gắn kết tình đồng đội.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chữ nghĩa văn chương từ hương nước mắm…