Nghị quyết số 57-NQ/TW: Phát triển kinh tế - xã hội qua đột phá khoa học, công nghệ

16/01/2025, 05:06

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Chính lúc này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đây được xem là Nghị quyết hành động, được triển khai ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, tạo ra những điều kiện và cơ sở vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

0a6539aae24a5e14075b.jpg
Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 57.

Chìa khóa vàng khơi thông điểm nghẽn

Trong suốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến phát triển Khoa học công nghệ (KHCN). Điển hình đó là vào ngày 18/5/1963, tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ Nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Trong kháng chiến, nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã có các công trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chế tạo, cải tiến vũ khí chống giặc ngoại xâm và chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ta.

Kể từ khi thống nhất đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta ngày càng quan tâm và xác định tầm quan trọng, vai trò và vị thế hàng đầu của KHCN đối với phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ...

Trong bối cảnh đó, cần có chủ trương, quyết sách mang tính chiến lược và cách mạng, vừa tận dụng được thời cơ và khắc phục được những hạn chế nêu trên, tạo xung lực mới, đột phá đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết ra đời tạo động lực, truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Nghị quyết đã đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo. Trong đó nhấn mạnh: Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới... Nghị quyết cũng nêu lên 5 nhóm mục tiêu đến năm 2030, trong đó xác định mang tính định hướng về tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST và đặt ra mục tiêu cụ thể là Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Để thực hiện song song đó, Nghị quyết số 57 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao nhận thức, đột phá đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST&CĐS. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia...

a2510663dd8361dd3892.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Không để đất nước lỡ cơ hội phát triển

Tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa mới diễn ra, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Nghị quyết 57 ra đời không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động” với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong kỷ nguyên mới. Để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, Tổng Bí thư nêu rõ cần thống nhất nhận thức và hành động. Xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

“Trung ương đã gương mẫu hành động với Chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư cũng đã đề nghị, phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khuyến khích người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, năm 2025 năm đầu thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.

Quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm, thời gian tới, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư chỉ rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số.

NGỌC DIỆP

Related articles
Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh: Điểm nhấn từ sự chủ động và sát thực tiễn
Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị quyết số 57-NQ/TW: Phát triển kinh tế - xã hội qua đột phá khoa học, công nghệ