Khởi nghiệp từ sen đá
Sinh năm 1999 nhưng Anh Thư đã có nhiều thành tích nổi trội đóng góp tích cực trong phong trào thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương phát triển. Anh Thư đến với khởi nghiệp nông nghiệp từ sen đá, với niềm đam mê Anh Thư đã sưu tầm khá nhiều về chủng loại cây trồng này đồng thời chia sẻ nhân giống cho mọi người cùng thưởng thức thú vui tao nhã. Cách đây hai năm, Anh Thư từng sở hữu bộ sưu tập đồ sộ hàng chục ngàn cây sen đá đa chủng loại sắc màu. Dự án “trồng và kinh doanh sen đá” của nữ thanh niên 25 tuổi từng đạt giải ba hội thi khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hàm Tân tổ chức năm 2022.
Chia sẻ về niềm đam mê trồng sen đá, Anh Thư bày tỏ: “Ban đầu em chỉ mua sen đá về để chơi, nhưng càng tìm hiểu em càng thấy sen đá có nhiều loại đẹp, đặc sắc nên càng thêm yêu thích. Và em muốn lan tỏa niềm yêu thích cũng như ý nghĩa của sen đá nên đã bắt đầu tìm hiểu trồng và kinh doanh sen đá. Tuy thu nhập từ việc kinh doanh sen đá không quá cao nhưng cũng giúp em có thêm nguồn thu ổn định”.
Sen đá đã se duyên cho Anh Thư đến với con đường khởi nghiệp nông nghiệp. Nhưng sản xuất và tiêu thụ nông sản địa phương mới là con đường Anh Thư theo đuổi và duy trì cho đến hiện tại. Anh Thư cho biết: Năm 2020 và 2021, khi xảy ra dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều loại nông sản, trái cây sạch của vườn nhà cũng như người dân lân cận không thể tiêu thụ được, chính vì vậy Anh Thư đã nảy ra ý tưởng đăng bài lên các nền tảng mạng xã hội để nhiều người tìm hiểu mua ủng hộ nông dân đang gặp khó khăn. Và kết quả mang lại hơn mong đợi, đã bán được 8 đến 10 tấn trái cây, rau củ quả mỗi năm, ở thời điểm dịch, có tháng bán gần 2 tấn.
Từ niềm đam mê ban đầu với sen đá, trải qua nhiều thử thách, khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản địa phương, nữ thanh niên “9X” chợt nhận ra bản thân có tình yêu mãnh liệt đối với nông sản Việt. Hiện Anh Thư đang trồng 150 cây sơ–ri và xoài, mít, bưởi, ổi… mỗi loại từ vài chục có khi lên đến hơn trăm cây, phía dưới bóng mát cây ăn trái nuôi gà, vịt thả vườn. Gần đây, Anh Thư tập tành thử nghiệm làm mứt sơ–ri, kỳ vọng gia tăng giá trị kinh tế, hạn chế rủi ro “được mùa, mất giá”.
Nói về hướng đi theo con đường sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn, Anh Thư chia sẻ: “Em có đam mê về cây cối nên em muốn được trồng thêm nhiều cây trồng ăn trái, củ quả kể cả cây cảnh như sen đá để phục vụ cho gia đình, bà con xung quanh và những khách hàng ưa chuộng các mặt hàng nông sản sạch, an toàn. Qua đó, em cũng muốn góp một phần sức của mình trong việc phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Sáng tạo mô hình mới
Cùng với thực hiện mô hình kinh doanh chuyên sản xuất và thu mua các loại nông sản đặc trưng của địa phương, Anh Thư còn kêu gọi người dân hãy cùng chung tay sản xuất trái cây, rau củ quả an toàn, sạch để chinh phục thị trường khó tính còn bỏ ngỏ. Tuy “khó” nhưng nếu biết cách xây dựng lòng tin, uy tín từ khách hàng thì cơ hội luôn mở ra ở phía trước.
Anh Trịnh Minh Thanh - Bí thư Xã đoàn Tân Xuân, huyện Hàm Tân cho biết: Anh Thư là tấm gương tiêu biểu, năng động, sáng tạo trong phát triển mô hình kinh tế mới, hiệu quả tại nông thôn, không ngừng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp tích cực cho phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Giải thưởng Lương Định Của sẽ là sự động viên, khích lệ dành cho Anh Thư, giúp Anh Thư thêm tự tin trên con đường khởi nghiệp của mình.
Giải thưởng Lương Định Của được tổ chức từ năm 2006 đến nay, là giải thưởng vinh danh thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi. Qua 19 năm tổ chức Giải thưởng Lương Định Của, có hơn 2.000 “Nhà nông trẻ xuất sắc” được nhận giải thưởng. Mỗi bạn có một hoàn cảnh, một xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều có điểm chung, đó là ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó, quyết tâm vươn lên lập thân, lập nghiệp.