Đổi thay từ nhiều chương trình, chính sách
Nhiều năm qua, nhất là giai đoạn 2019-2024, Bình Thuận rất coi trọng việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần và bảo tồn văn hóa các DTTS trong toàn tỉnh thông qua nhiều chương trình, chính sách. Chẳng hạn, chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2030; chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021-2025; quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS… Nổi bật nhất là lồng ghép chương trình nông thôn mới với chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030... Chỉ tính riêng giai đoạn 2019-2024, tổng mức đầu tư cho nhiều chương trình, dự án nói chung hơn 600 tỷ đồng. Nông thôn vùng DTTS vì vậy thay đổi rõ rệt; đồng bào phát huy được tiềm năng, lợi thế vùng; củng cố quốc phòng an ninh một cách vững chắc.
Canh tác lúa SRI ở xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình.
Nuôi bò vỗ béo ở Bắc Bình.
Đến cuối năm 2023, có 7/17 xã thuần đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người là 46,8 triệu đồng/năm. Nếu tính chung, tại 17 xã thuần, bình quân là 43,6 triệu đồng/người/năm. Đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 7,73%, giảm gần 3% so đầu năm 2019. Nhìn tổng quát, bức tranh nông thôn vùng đồng bào DTTS có nhiều màu tươi sáng. Nói về vùng đồng bào DTTS hôm nay là nói về sự đổi thay: nhiều hộ đồng bào được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt theo Quyết định 2085/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 1719/QĐ-TTg. Về quy mô, trong 4 năm (2020-2024), với 40,497 tỷ đồng ngân sách phân bổ, tỉnh đã triển khai đầu tư 6 dự án về ổn định dân cư. Trong đó, có 3 dự án định canh, định cư tập trung, nhờ vậy, đã bố trí ổn định 222 hộ dân/1.006 khẩu. Tỉnh tiếp tục duy trì ổn định 83.961,61 ha rừng giao khoán đồng bào DTTS bảo vệ, để bảo toàn vốn rừng, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép, góp phần nâng cao thu nhập của đồng bào.
Một điển hình nông dân dân tộc Chăm sản xuất kinh doanh giỏi ở Bắc Bình
Các ngành, địa phương trong tỉnh còn hỗ trợ đồng bào đa dạng hóa sinh kế thông qua các hình thức: Hỗ trợ giống bò sinh sản và vỗ béo đàn bò, chăn nuôi trâu cái sinh sản, nuôi heo cỏ, làm chuồng trại, trồng cây điều cao sản, tái canh cây điều; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, gắn với khuyến nông. Đồng bào được hướng dẫn sản xuất an toàn sinh học, bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm chất lượng và an toàn nông sản. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng trình diễn các mô hình; chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào DTTS như: sản xuất lúa SRI, sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”… Ngoài các chương trình khuyến nông do ngành nông nghiệp triển khai, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và thâm canh bắp lai, lúa nước, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ thực hiện mô hình giảm nghèo...
Diện mạo, đời sống làng dân tộc Châu Ro xã Trà Tân.
Về văn hóa - xã hội - giáo dục, vùng đồng bào DTTS toàn tỉnh hiện có 52 trường với 505 lớp/425 phòng học ở các cấp học. Ở cấp tỉnh và huyện, Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và 4 trường cấp huyện, sẵn sàng đón nhận con em đồng bào học lên. Đội ngũ giáo viên các cấp học được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học được nâng lên. Hiện nay, các trường đã duy trì, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học tiếng Chăm đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh có 4 huyện, có 12 trường với 143 lớp có hơn 3.494 học sinh học tiếng Chăm; các đơn vị tiếp tục triển khai dạy tiếng Chăm 2 tiết/4 tiết/tuần cho các khối lớp tiểu học. Toàn tỉnh có 7 huyện với 49 trường có học sinh DTTS được tăng cường tiếng Việt, đạt tỷ lệ 100% so với Đề án tăng cường tiếng Việt. Năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Trường Cao đẳng Bình Thuận xét tuyển 109 học sinh DTTS. Mạng lưới y tế được củng cố, tăng cường, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tăng khá; 100% trạm y tế xã có bác sĩ phục vụ, trong đó bao gồm bác sĩ tăng cường
Một bức tranh thôn đồng bào DTTS...
Có thể thấy rõ sự đổi thay vùng đồng bào DTTS qua hình ảnh xã Trà Tân (Đức Linh). Xã Trà Tân đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2023 đang tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Toàn xã có 2.232 hộ/8.464 khẩu, riêng thôn 4 của xã là thôn thuần đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống. Đồng bào có 426,5 ha đất nông nghiêp, phù hợp với cây công nghiệp ngắn, dài ngày và cây lúa nước.
Năm 2013, xã Trà Tân triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Thổ Đệ, Trưởng thôn 4 khi ấy đã đi từng nhà vận động bà con đồng lòng góp công, góp sức xây dựng NTM. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, đồng bào thôn 4 Trà Tân đã đầu tư nâng cao năng suất 100 ha ruộng 2-3 vụ/năm, 27 ha cao su, hơn 200 ha đất rẫy và đồng cỏ. Tập trung thâm canh cây điều, cao su, làm lúa vụ đông xuân, nuôi bò, dê… theo hình thức trang trại và gia đình. Từ năm 2018 đã có 280 hộ/337 hộ dân tộc Châu Ro trong thôn, có người nhà đi làm công nhân của các công ty, xí nghiệp trong địa phương, lương bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Đồng bào còn được cán bộ thôn hướng dẫn các chế độ chính sách dân tộc, động viên các gia đình cho con em đi học. Nhờ vậy, nhiều năm nay, 100% con em người DTTS trong thôn trong độ tuổi đi học đều đến trường. Thôn 4 đã góp phần làm cho Trà Tân thành xã đầu tiên của huyện và của tỉnh được công nhận xã NTM nâng cao.