Chuyển biến toàn diện
Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi. Toàn huyện có 17 xã, thị trấn (trong đó có 4 xã vùng cao, 8 xã miền núi, 3 xã đồng bằng và 2 thị trấn) với dân số hơn 188.600 người/49.800 hộ, 14 DTTS. Đồng bào DTTS chiếm 9,1% dân số toàn huyện, chủ yếu là đồng bào K'ho, Chăm và Raglay. Riêng đồng bào K'ho chiếm 4,1% dân số, sinh sống tập trung ở 3 xã vùng cao: Đông Giang, Đông Tiến và La Dạ; đồng bào Raglay (Rai) chiếm 1,3% dân số, sinh sống tập trung ở 2 thôn xen ghép (Dân Hiệp - xã Thuận Hòa, Ku Kê – xã Thuận Minh), còn đồng bào Chăm chiếm 3,1% dân số, sinh sống tập trung ở 3 thôn xen ghép (Lâm Giang – xã Hàm Trí, Lâm Thuận – xã Hàm Phú và khu phố 3 - thị trấn Ma Lâm). Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc của huyện.
Ở vùng đồng bào DTTS, một điều dễ nhận thấy đó là kinh tế - xã hội những năm gần đây tiếp tục chuyển biến toàn diện, hệ thống hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm thường xuyên được quan tâm đầu tư, công tác giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện. Trong phát triển kinh tế, nhờ phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi (hồ Sông Quao, Kênh 812-Châu Tá-Sông Quao, hồ Saluon, hồ Đatrian, hồ Đagury, đập ĐakLanh) nên việc sản xuất của đồng bào tiếp tục phát triển. Năng suất lúa, bắp hàng năm đều tăng, sản lượng lương thực hàng năm đều đạt vượt kế hoạch đề ra, riêng năm 2023 sản lượng lương thực đạt 26.900 tấn.
Trên lĩnh vực trồng trọt, bà con đã chủ động phát triển các loại cây trồng có lợi thế, kết hợp với phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đến nay, cơ bản đồng bào đã nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Quá trình đó, qua thực hiện các dự án, sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả, nhiều hộ đồng bào DTTS đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, bước đầu tạo nên những cánh đồng có diện tích lớn, như Trũng Bí (Đông Tiến), Saloun (Đông Giang)… Cũng từ đây xuất hiện thêm nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động, sản xuất để thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Điển hình như: ông Mang Sỹ ở thôn Ku Kê – xã Thuận Minh, ông Nguyễn Văn Quang ở xã Đông Tiến, ông K Văn Géo và K Văn Rai ở xã Đông Giang, bà Thông Thị Đầy, khu phố 3 – Ma Lâm… Được biết, giai đoạn 2019-2024, vùng đồng bào DTTS huyện có 147 nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi được các cấp có thẩm quyền công nhận, trong đó có ông K Văn Géo được công nhận nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Quan tâm mọi mặt
UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, cùng với nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ ở vùng đồng bào DTTS cũng được tỉnh, huyện quan tâm. Giai đoạn 2019 – 2024, thông qua thực hiện Chương trình 135 - giai đoạn 2, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030... huyện đã đầu tư mới 57 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí trên 56 tỷ đồng và duy tu bảo dưỡng 2 công trình khác với kinh phí gần 500 triệu đồng. Bên cạnh, công tác giáo dục vùng đồng bào DTTS luôn được quan tâm, chất lượng dạy học được nâng lên đáng kể. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 12 trường có học sinh DTTS, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đến thời điểm này, 3 trường có học sinh DTTS được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Trong công tác y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở các xã vùng đồng bào DTTS giảm dần qua các năm, cụ thể năm 2019 là 19,7%, đến năm 2023 giảm xuống còn dưới 13,8%.
Đặc biệt, những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS từ 15,93% vào năm 2019 giảm xuống còn 8,07% vào năm 2021 theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 và đến năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn 10,19% theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022 –2025. Riêng tỷ lệ hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS từ 17,75% vào năm 2019 giảm xuống còn 8,12% vào năm 2024. Kết quả đó khẳng định ý chí, quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của đồng bào nên đạt được kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của xã Đông Giang, Đông Tiến và La Dạ từ 31 triệu đồng vào năm 2019 tăng lên 44 triệu đồng vào năm 2023, góp phần giảm đáng kể khoảng cách về mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác trong huyện và giữa các dân tộc trong huyện.
Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ cả hệ thống chính trị, Hàm Thuận Bắc đặt nhiều mục tiêu cụ thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong đó, quyết tâm đến năm 2029, thu nhập bình quân của DTTS tăng từ 1 đến 1,5 lần so với năm 2023; 100% số trường, lớp được xây dựng kiên cố, 2/3 trở lên số trường học vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới; 100% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, thời gian tới huyện sẽ tập trung các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế ở từng vùng, từng địa bàn để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Riêng trong nông nghiệp sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh các sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao. Đối với công nghiệp - xây dựng, thường xuyên rà soát quy hoạch, kêu gọi đầu tư một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, có tiềm năng, thế mạnh để ưu tiên phát triển gắn liền với tăng cường công tác quản lý tài nguyên; duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống có thị trường tiêu thụ, như: dệt thổ cẩm, đan lát các nông cụ. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, du lịch “trải nghiệm”, du lịch “nông nghiệp”. Huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên kiên cố hóa đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, viễn thông, thông tin, truyền thông để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân...