Hiểu để yêu con trọn vẹn

22/11/2024, 05:48

Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng bởi sẽ có nhiều tình huống mà cha mẹ không thể kiểm soát được cảm xúc của bé, dẫn đến tình huống trẻ bướng bỉnh. Trong những trường hợp này, nhiều người thường mất bình tĩnh và đôi khi đưa ra những quyết định không phù hợp, ảnh hưởng đến tinh thần và cảm xúc của bé.

Không phải ngẫu nhiên mà trên mạng xã hội các mẹ thường truyền tai nhau “Các cách dạy trẻ bướng bỉnh”. Bởi vì những bé này rất có cá tính, người lớn cũng cần có các tuyệt chiêu đặc biệt mới khiến con nghe lời. Theo các chuyên gia giáo dục một số bé thường quyết tâm làm điều gì đó bằng được, mặc cho người lớn không đồng ý. Và nhiều người gọi đó là bướng bỉnh. Song, không hẳn là như vậy, không phải tất cả trẻ em khi bày tỏ mong muốn độc lập đều đồng nghĩa với sự ương bướng. Những đứa trẻ bướng bỉnh thường có đặc trưng bởi sự thông minh và sáng tạo. Trẻ ương bướng thường đặt ra nhiều câu hỏi, tìm cách được lắng nghe và thu hút sự chú ý, thường thể hiện sự độc lập nhiều hơn, kiên quyết với những gì mình thích, dễ nổi giận và tỏ ra chống đối...

yeu-con.png
Ảnh minh họa.

Có thể thấy dạy một đứa trẻ bướng bỉnh nhìn chung khó hơn những bé ngoan ngoãn. Thế nhưng đừng quá lo lắng bởi có nhiều cách để con tự nhận thức và thay đổi hành vi của mình. Đó là những lúc trẻ bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu nghe lời thì cha mẹ không nên vội vàng cáu giận hoặc ngay lập tức tranh luận, đánh mắng con mà khi ấy nên kiên nhẫn chịu khó lắng nghe và có cuộc nói chuyện nhẹ nhàng, từ từ làm dịu sự bướng bỉnh của con. Bên cạnh đó, phớt lờ những đòi hỏi không thỏa đáng của con, đôi khi chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Khi ấy, trẻ nhận thức được rằng cha mẹ rất dễ dàng chiều theo mong muốn của mình nên một khi không đòi hỏi được sẽ tức giận và la hét. Đồng thời, động viên và khen ngợi con khi chúng cố gắng thực hiện những việc tốt, cho dù đó là việc nhỏ nhặt. Đừng gay gắt khi con làm sai điều gì đó mà hãy từ từ phân tích cho con hiểu. Khuyến khích các hành vi tích cực sẽ làm cho các bé hiểu rằng đó là cách tốt để có được sự chú ý hoặc lời khen ngợi từ người khác. Ngoài ra, cha mẹ đừng cố bắt ép trẻ làm những điều mà bé không muốn vì trẻ nhỏ cũng có tâm tư, nhu cầu và sở thích riêng. Khi bị bắt ép trẻ sẽ có xu hướng nổi loạn và không chịu nghe lời. Thay vì ép buộc cha mẹ hãy thử ngồi lại tâm sự về mong muốn, sở thích của con để con mở lòng chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn. Và cuối cùng là hãy cố gắng tạo cho trẻ một gia đình yên ấm, hạnh phúc bởi trẻ em học hỏi rất nhiều thông qua hành vi ứng xử hàng ngày của bố mẹ. Do vậy nếu các con nhìn thấy cha mẹ hay cãi nhau hoặc có những lời ăn tiếng nói không lịch sự thì rất dễ học theo, môi trường căng thẳng trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của trẻ em.

Trẻ bướng bỉnh đôi khi có thể khiến cha mẹ khó chịu. Nhưng trẻ con thì vẫn là trẻ con, chỉ cần cha mẹ nhẹ nhàng, kiên nhẫn, hiểu để yêu con trọn vẹn thì có thể rèn luyện con của mình tốt hơn, giúp con không còn hay giận dỗi, ngang bướng như trước nữa.

PHẠM NGUYÊN

Related articles
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi
Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục tỉnh đã tập trung đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả cả về chất và lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG). Qua đó, trong các kỳ thi HSG các môn văn hóa cũng như trong các giải thể thao cấp tỉnh và cấp quốc gia đạt thành tích cao.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểu để yêu con trọn vẹn