Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng, củng cố
Phải khẳng định rằng, đến nay mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được tỉnh đầu tư xây dựng, củng cố, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cả về số lượng và chất lượng. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến mọi người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn của tỉnh. Chính vì thế nhiều dịch bệnh đã được khống chế và đẩy lùi, các chỉ số sức khỏe của người dân đã được cải thiện. Từ 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị, đến nay, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố xây dựng, hoàn thiện và nâng cao. Ngoài các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thị, thành phố có Trung tâm y tế, hầu hết được sửa chữa, nâng cấp và hoạt động nề nếp. Mạng lưới khám, chữa bệnh được sắp xếp, thành lập mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng nâng cao trong việc thăm khám, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Các cơ sở y tế đều được đầu tư đồng bộ trang thiết bị giúp phát hiện bệnh nhanh, chính xác và xử lý kịp thời tại địa phương. Các bệnh viện khu vực, tuyến huyện đều được đầu tư trang thiết bị mới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Ở tuyến cơ sở phần lớn trạm y tế đã được trang bị và sử dụng tốt một số máy móc hiện đại trong khám, chữa bệnh cho nhân dân, cơ bản phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát triển, từng bước xây dựng đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Hệ thống y tế ngày càng được củng cố, cùng với đó là chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ nhân dân luôn đạt và vượt so với kế hoạch hàng năm đề ra, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội và nâng cao ý thức giữ gìn sức khoẻ của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó ngành y tế cũng đã tranh thủ các chính sách về thu hút, đào tạo, đãi ngộ nhân lực y tế để nâng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế. Một nội dung cũng được chú trọng để nâng cao chất lượng điều trị là đẩy mạnh liên kết, nhận chuyển giao, làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngành y tế cũng đã tập trung phát triển nguồn nhân lực bằng cách đẩy mạnh việc đào tạo chuyên sâu, nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh để tạo ra sự thuận lợi cho người dân cũng được ngành y tế quan tâm và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện.
Tập trung đầu tư, cải thiện hệ thống y tế
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay ngành y tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Để khắc phục những khó khăn, ngành y tế đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ngành y tế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đạt tiêu chuẩn hạng I, giai đoạn 2023-2028. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị của một số bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế. Trong đó, thực hiện khẩn trương việc rà soát, lập dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở y tế xuống cấp và mua sắm trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cấp, hoàn thiện các nền tảng số y tế đã triển khai như hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh VNPT-HIS, đồng thời triển khai có hiệu quả các ứng dụng nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Phát triển một số ứng dụng để tổ chức các hoạt động y tế từ xa trong điều kiện chờ nguồn vốn đầu tư một cách có hệ thống. Chủ động thực hiện các bước chuẩn bị để triển khai hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án điện tử và hệ thống khám, chữa bệnh từ xa sử dụng cho các bệnh viện, trung tâm y tế. Đặc biệt là, hiện nay tỉnh đang triển khai dự án phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tại tỉnh, được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đang tiến hành các bước đầu tiên để triển khai. Đề án nay đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các vùng khó khăn của tỉnh. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 116.212 triệu đồng. Dự án này cũng hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các vùng khó khăn. Việc nâng cấp và xây mới các trạm y tế cũng giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ y tế, giảm bớt gánh nặng về chi phí đi lại và khám chữa bệnh…