Nhớ anh Chí Phèo

22/11/2024, 05:51

Khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời, nhiều người lo lắng ban biên soạn sẽ đuổi anh Chí Phèo ra khỏi chương trình và lên tiếng phản đối.

Nhưng nào ai nỡ đuổi anh đâu, anh Chí vẫn ngất ngưởng trong chương trình bước vào trang sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, dõng dạc chẳng sợ ai, chửi cả cái làng Vũ Đại, nhưng ai cũng nghĩ nó trừ mình ra. Tức quá, “hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”. Đã thế mà mọi người làng Vũ Đại nín thinh, im thin thít, chẳng ai dám lên tiếng. Hắn tiếp tục chửi thề: “Mẹ kiếp”, “không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này”. Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết. Nhưng nói không ai biết là không đúng, bởi chắc chắn có hai người, đó là thằng cha và con mẹ đẻ ra hắn biết chứ. Nhưng khi hắn vừa lọt lòng thì bị ném vào lò gạch hoang, nếu không may có người đi thả trúm lươn phát hiện, chắc nó không tồn tại trên cõi đời này. Đúng là hắn khổ thật! Được sống nhưng bơ vơ, lạc lõng, không nơi nương tựa.

chi-pheo.jpg

Đọc Chí Phèo, ngoài những vấn đề lâu nay người ta đánh giá về những vất vả xót xa của Chí như làm thuê cuốc mướn nuôi thân, vô cớ bị tống vào tù, bị tình phụ, mà người tình đẹp đẽ gì cho cam, đường này xấu ma chê quỷ hờn, thế mà Chí cũng bị ruồng bỏ dứt tình làm cho hắn đau đến tột cùng. Có người khái quát lên Chí bị thế lực phong kiến đẩy vào con đường lưu manh hóa, biến Chí thành con quỷ dữ, tách khỏi xã hội loài người… Nhưng điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất về ngòi bút hiện thực tâm lý của Nam Cao khi phân tích nỗi đau thân phận đến cực cùng của một kiếp người, nó không còn riêng biệt nữa mà mang tầm vóc nhân loại với ba tiêu chí đáng sợ nhất: Đói rét, đau ốm, cô độc. Tác giả dành một đoạn văn miêu tả cực hay về phát triển tâm lý của nhân vật Chí Phèo, sau cơn say dài, Chí thức dậy, nghe ngoài kia xôn xao âm thanh tiếng vọng đời thường, hắn đã nhận ra, “ngoài bốn mươi tuổi đầu”, “tới cái dốc bên kia của đời”, “hắn chịu đựng bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm”, bây giờ “một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu bảo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đang trông trước thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”.

Trong thế gian này, cái “đói” và “rét”cùng xảy ra là một hiện tượng thật kinh khủng đối với thể xác con người. Trước kia Nguyễn Gia Thiều ẩn dụ so sánh sự thống khổ đáng sợ đó: “Bệnh trần đòi đoạn tâm can,/ Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da” (Cung oán ngâm khúc); “đốt ruột, cắt da” nghe rát buốt thấu tận tim gan. Còn “Ốm đau” cũng đã đúc kết trong quy luật vô thường “sinh, lão, bệnh, tử” của đời người. Ốm đau bệnh tật khi tuổi về già không người chăm sóc như Chí Phèo lại càng oái oăm xa xót có gì bằng. Nhưng Chí Phèo nghĩ sự “cô độc”, “còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”; là nỗi đau đáng sợ nhất khi làm người không thuộc về thể xác, mà thuộc về tinh thần. Lúc này Chí đã ý thức ra về lẽ sống trong mối quan hệ tương giao với cộng đồng. Nhìn thấy nỗi cô độc là dấu chấm than treo lơ lửng đáng sợ nhất giữa đời từ nghìn xưa cho đến mãi nghìn sau. Ngày xưa ở hậu cung triều đình phong kiến từ hoàng hậu đến các phi tần đều kinh sợ nhất là cái không gian luôn đe dọa đo là lãnh cung, ai bị rơi vào đó là nhận cái án cô độc sống không bằng chết. Ở đây Chí không có lãnh cung nào, cũng không bị biệt giam trong bốn bức tường tù ngục, mà đang bị biệt giam một cách vô hình trong nhà tù định kiến giữa xã hội loài người bộn bề tấp nập. Con người tứ cố vô thân này trước đây không sợ trời, không sợ đất, chẳng sợ ai trong làng Vũ Đại mà bây giờ lại sợ cô độc, điều đó cho thấy cái tính người bắt đầu sống dậy trong nhận thức của Chí mà trước đây tưởng chừng như đã mất.

Điểm khác nói về Bá Kiến với Chí Phèo. Có lần tôi nghe một giáo sư – nhà nghiên cứu phê bình văn học, nói về cái chết của Bá Kiến. Ông nói Bá Kiến là tay róc đời trong việc cai trị làng Vũ Đại. Bá Kiến nhận thấy “Cái bọn dân đinh suốt đời bị đè nén sở dĩ bị đè nén suốt đời, chỉ vì khi bị đè nén chúng chỉ biết than thở chứ không biết làm gì khác. Cụ Bá Kiến không cần than thở, trị không lợi thì cụ dùng. Cụ nghĩ bụng phải có những thằng đầu bò chứ? Không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò?”. Cụ biết mềm nắn rắn buông, “biết thu dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù. Những thằng ấy chính là những thằng được việc”. Sỏi đời cai trị dân đen đến như thế mà Bá Kiến lại bị chết dưới tay Chí Phèo! Hóa ra, Bá Kiến giỏi cai trị những người chỉ biết chịu đựng phục tùng và “những thằng đầu bò” đã bán linh hồn cho quỷ, chứ chưa biết cách cai trị những con người thức tỉnh. Nên Bá Kiến mới bị chết trong tay người thức tỉnh đòi quyền làm người của Chí Phèo. Nghe đến đây tôi mới thấm thía về vấn đề cực kỳ quan trọng và không phải dễ dàng trong việc lãnh đạo và nghệ thuật dùng người.

VÕ NGUYÊN

Related articles
Kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024): Bồi đắp tình yêu di sản văn hóa cho học sinh
Giáo dục di sản là một cách hữu hiệu để dạy về lịch sử và văn hóa. Trong những năm gần đây, các điểm di sản, các thiết chế văn hóa đều có thể trở thành địa điểm học tập mà học sinh tất cả lứa tuổi có thể đến trực tiếp trải nghiệm.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ anh Chí Phèo