Một số HTX bắt đầu thay đổi cách làm
Một trong những mục tiêu phát triển của Bình Thuận đến năm 2030 là xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xanh, sinh thái, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính... Đặc biệt, khi mô hình KTTT đang từng bước phát triển và hội nhập, Luật HTX 2023 với nhiều điểm tối ưu được ban hành, áp dụng sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp, với những sản phẩm chủ lực đặc trưng của Bình Thuận như thanh long, nho, điều, cao su, hải sản…
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, các mô hình HTX, Tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến cả về số lượng, chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và đã xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, một số HTX gần đây đã mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, cung cấp sản phẩm có chất lượng cho thị trường và xuất khẩu. Điển hình như mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ tại HTX nông nghiệp Lạc Tánh, huyện Tánh Linh; mô hình trồng rau thủy canh ở HTX rau Tiến Phát (xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh); HTX thanh long Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc) ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến thành công rượu vang từ trái thanh long…
Bên cạnh đó, nhiều HTX trong tỉnh cũng bắt đầu sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch nông thôn mang lại hiệu quả cao. Gần đây nhất là HTX thanh long Hòa Lệ, được xem là điểm đến khó bỏ qua của các đoàn khách trong và ngoài tỉnh khi đi thực tế, trải nghiệm, tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp đặc trưng với quả thanh long được sản xuất, chế biến khép kín với rất nhiều sản phẩm đa dạng từ rồng xanh. Hay HTX Chăn nuôi Hữu cơ Thiện Nghiệp (Ba Tường Farm) đã từng bước hình thành chuỗi nông nghiệp xanh, chăn nuôi con đặc sản vùng miền kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm. Với tổng diện tích sản xuất 10 ha, nông trại Ba Tường Farm đã tập trung chăn nuôi dông cát, bồ câu, gà rừng theo hướng nông nghiệp xanh kết hợp với thương mại thực phẩm sạch, du lịch trải nghiệm, nhà hàng thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, còn có HTX Sản xuất, Kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp Đa Mi - thôn La Dày, xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) chuyên trồng sầu riêng VietGAP cũng tạo điều kiện để người dân tham quan, hái trái tại vườn, tạo nên sự năng động, sáng tạo so với cách làm truyền thống trước đây…
Tận dụng điểm mới của Luật HTX 2023
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay của các HTX nông nghiệp trong tỉnh là sự liên kết sản xuất và tiêu thụ còn yếu. Các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm ngoại nhập, sản phẩm cùng loại được sản xuất ở các tỉnh, thành khác. Điều này đòi hỏi các HTX nông nghiệp cần đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện dịch vụ, mẫu mã để cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường. Luật HTX 2023 sẽ khuyến khích sự hợp tác giữa các HTX và các doanh nghiệp, giúp xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.
Không chỉ vậy, Luật HTX 2023 còn chú trọng đến việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Các HTX sẽ được hỗ trợ trong việc nâng cao kỹ năng quản lý, sản xuất và kinh doanh cho đội ngũ quản lý, người lao động và thành viên; Hỗ trợ lương, thưởng và phúc lợi để thu hút lao động có chất lượng cao. Qua đó, giúp họ thích ứng tốt hơn với những thay đổi của môi trường kinh doanh hiện đại và cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường. Có thể thấy, Luật HTX 2023 đã mở rộng thêm về chính sách, hỗ trợ thông tin về tư vấn và chính sách hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực cho KTTT, HTX so với trước, thể chế hóa đầy đủ các định hướng chính sách về khoa học công nghệ trong Nghị quyết số 20/TW.
Bà Trần Thị Kim Thoa – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, gần đây Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn Luật HTX năm 2023 nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lý, các thành viên HTX và người lao động làm việc trong HTX, người dân nắm bắt thông tin, tìm hiểu vị trí, vai trò của KTTT, HTX trong giai đoạn hiện nay; hiểu rõ chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư của nhà nước, tỉnh dành cho KTTT, HTX. Từ đó, khuyến khích người dân có đủ điều kiện tích cực thành lập HTX, tham gia thành viên HTX cũng như nâng cao hiểu biết, nhận thức về Luật HTX năm 2023 nói riêng và các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về lĩnh vực KTTT, HTX nói chung. Qua đó, từng bước thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Luật HTX 2023 mang đến cơ hội to lớn cho mô hình kinh tế nông nghiệp tại Bình Thuận. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả tích cực, cần cụ thể hóa luật càng sớm càng tốt, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ phía chính quyền, các HTX và các bên liên quan trong quá trình triển khai luật mới. Với lợi thế có sẵn các sản phẩm nông sản đặc trưng, Bình Thuận có tiềm năng rất lớn để phát triển mạnh mẽ nếu tận dụng tốt các chính sách mới của Luật HTX 2023.