Từ thông tư đến thực tế triển khai

21/02/2025, 05:45

Tôi thấy, có lẽ chưa lần nào chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm ráo riết như lần này. Bởi ngoài Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025 thì có thêm Công điện 10/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/2/2025 để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động dạy thêm, học thêm.

Công điện yêu cầu: Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn, trong đó lưu ý một số nội dung như:

day-them-hoc-them.jpg
Ảnh minh họa.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định.

- Kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Đến nay, hiệu lực của Thông tư 29 đã qua 7 ngày, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể của Sở Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) và của UBND tỉnh cho các trường nên khó tổ chức dạy thêm – học thêm, trong khi đây là nhu cầu cần thiết của giáo viên – học sinh và phụ huynh hiện nay, bởi thời gian năm học đã bước vào gần giữa học kỳ II rồi, nên việc bồi dưỡng cung cấp kiến thức – nhất là cho những học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp. Vì tình thế thôi thúc như vậy, nên giáo viên có thể tự ý vận dụng cách nào đó để kịp thời phụ đạo, bồi dưỡng cho học trò, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể, giáo viên có thể vi phạm làm sai – sai vì không có đủ điều kiện để tổ chức. Tình trạng này có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Trong khi, thời điểm vừa có Thông tư 29, nhiều Sở GD&ĐT đã kịp thời hướng dẫn dạy thêm, học thêm như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa…

Hiện nay các Phòng GD&ĐT và các trường trung học phổ thông còn đang lúng túng và rất khó thực hiện dạy thêm, học thêm trong việc ôn thi cho học sinh cuối cấp (lớp 9 và lớp 12). Bởi có mấy vấn đề đặt ra:

- Không thu tiền nên các hiệu trưởng biết lấy tiền ở đâu trả cho giáo viên. Trong khi thời gian rất thôi thúc, sắp sang tháng 3/2025 rồi, kế hoạch các trường bắt đầu bước vào việc ôn thi.

- Số tiền trả cho mỗi tiết dạy là bao nhiêu, có được chi trong nguồn hiện tại của đơn vị hay không, trong khi UBND tỉnh chưa có ý kiến hướng dẫn. Nếu tổ chức dạy mà bên Sở Tài chính không thống nhất tham mưu thì chi trả cho giáo viên như thế nào?

Vấn đề đặt ra với Thông tư 29 quy định số tiết ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông không quá 2 tiết tuần, quy định này thấy còn bất hợp lý vì nó phù hợp với những trường khi tuyển sinh đầu cấp lấy điểm cao – từ khá trở lên, còn những trường nhận học sinh có điểm thi tuyển thấp, thậm chí điểm kém, kể cả trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, cấp tỉnh, lâu nay thường tổ chức ôn tập cho các em hơn 3 tiết tuần/ môn, mới mong hỗ trợ củng cố được kiến thức cơ bản cho học sinh thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nên chăng, sắp tới, khi ban hành hướng dẫn dạy thêm, học thêm của tỉnh cần có sự linh hoạt vận dụng hợp lý ở trường hợp này.

Trong Thông tư 29 có hướng dẫn: “Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm” (khoản 3, Điều 6). Ở đây nói giáo viên tham gia dạy thêm bên ngoài chỉ báo cáo với hiệu trưởng để hiệu trưởng biết thôi, chứ không yêu cầu gì thêm về việc hiệu trưởng cho phép và quản lý giáo viên dạy bên ngoài. Trong khi đó, khoản 2, điều 13 yêu cầu hiệu trưởng “Quản lý giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 thông tư này; phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường”. Nhưng ở Điều 14 – Trách nhiệm của cơ sở dạy thêm không nói gì về quan hệ phối hợp giữa cơ sở dạy thêm với nhà trường, nên không biết hiệu trưởng sẽ quản lý như thế nào?

Một điều nữa, hình thức dạy thêm, học thêm hiện nay mà lãnh đạo nhà trường khó theo dõi để quản lý được, đó là dạy trực tuyến online. Học trò ngồi nhà của học trò, thầy cô ngồi nhà của thầy cô, lớp học vẫn diễn ra hoạt động. Học phí học trò chuyển qua tài khoản của thầy cô trên mạng. Hiệu trưởng hết sức đau đầu trong công việc quản lý thời buổi công nghệ hiện đại ngày nay. Họ đang chờ biện pháp chỉ đạo thực hiện của tỉnh và của Sở GD&ĐT trong thời gian tới.

VÕ NGUYÊN

Related articles
Xây trường mẫu giáo cho trẻ vùng dân tộc
Hàm Cần là xã miền núi của huyện Hàm Thuận Nam. Toàn xã có 1.298 hộ định cư tại 4 thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai.

(0) Comments
Focus
Các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận đảm bảo trang trọng, thiết thực, ý nghĩa
BTO-Chiều 21/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp cho ý kiến về phương án tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2025). Tham dự có đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Phan Văn Đăng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ thông tư đến thực tế triển khai