Đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Góp ý cụ thể về giải thích từ ngữ tại Điều 2, đại biểu cho rằng, công trình thuỷ lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật và có thể nằm trong hoặc ngoài khu đô thị và nông thôn. Theo khoản 3 Điều 2 Luật Thuỷ lợi quy định: “3.Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi”.
Do đó, để đảm bảo đồng bộ giữa các Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị xem xét bổ sung cụm từ: “công trình thuỷ lợi” vào khoản 15 Điều 2 dự thảo Luật. Cụ thể là: “15. Hạ tầng kỹ thuật khung là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính của đô thị, nông thôn và khu chức năng; được xác định trong nội dung quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn cấp nước, hệ thống tiêu, thoát nước, công trình thuỷ lợi, tuyến thông tin viễn thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật không theo tuyến.”.
Liên quan về trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 16), để đảm bảo nguyên tắc độc lập giữa việc lập và thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn (được quy định tại khoản 9 Điều 16 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung quy định rõ cơ quan thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn và cơ quan tổ chức lập hoặc được giao trách nhiệm lập quy hoạch đô thị và nông thôn phải là các cơ quan độc lập khác nhau nhằm minh bạch, khách quan, chống lợi ích nhóm trong quá trình lập và thẩm định quy hoạch.
Về nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 trong đó yêu cầu: “Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có)”. Như vậy, tại khu vực nông thôn, việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án không cần căn cứ vào quy hoạch xây dựng; điều này có thể dẫn đến quá trình thẩm định thiết kế xây dựng các dự án này không đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch xây dựng; đồng thời, theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Dự thảo thì: “7. Nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu tại khu chức năng được giao đầu tư, quy hoạch chi tiết tại khu vực đã được giao đầu tư theo pháp luật về đầu tư”.
Theo đó, để đảm bảo tính đồng bộ giữa các Luật và thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, nông thôn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị xem xét bổ sung quy định thêm nội dung “quy hoạch chung là cơ sở để xác định, lập các dự án đầu tư xây dựng” (không chỉ giới hạn cho mỗi dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung như quy định tại khoản 6 Điều 21, khoản 5 Điều 22, khoản 4 Điều 26 và khoản 5 Điều 27 Dự thảo).
Ngoài ra, tại điểm đ khoản 2 Điều 23, khoản 5 Điều 28 và khoản 5 Điều 32 dự thảo Luật quy định đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, quy định này chưa thực sự phù hợp đối với các dự án có quy mô nhỏ vì sẽ tạo thêm thủ tục hành chính, tăng chi phí và thời gian. Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể quy mô phải lập quy hoạch chi tiết (cận trên, cận dưới) để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện và bổ sung quy định về quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (nếu có); đồng thời, hiện nay rất khó để phủ kín quy hoạch chi tiết là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng.