Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Bình Hưng) là một trong những người đặt nền móng tạo ra nhóm chị em có đam mê nghề thêu tay, ngoài đam mê và năng khiếu thì nghề này có một thời gian cũng tạo ra nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình của nhóm chị em này. Chị Hồng chia sẻ, khoảng những năm 2005 những loại tranh thêu hoặc lụa thêu tay rất được chuộng và có giá trị cao nên chị quyết định tìm người để học và được giới thiệu lên Đà Lạt để học 6 tháng. Sau đó chị đi làm cho một số nơi đến khi lành nghề và có nhiều kinh nghiệm thì quyết định ra làm riêng.

Chị Hồng cho biết, hiện nay nhóm chị em thường gom nhiều đơn đặt hàng một lần rồi mới họp lại để cùng nhau thêu. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang đứng trước xu hướng bị mai một hoặc vẫn còn nhưng bị giảm. Theo chị Hồng là đã “lắng xuống” trong gần 10 năm nay và dần mất đi những nét truyền thống khi phải chạy đua trong nền kinh tế thị trường như hiện nay. Cái khó nữa là hiện nguồn tiêu thụ là vấn đề nan giải, đã có thời điểm tìm được nơi tiêu thụ ở TP.HCM, nhưng cũng chỉ được một thời gian không dài. Có thời điểm chị Hồng cũng đã chỉ nghề, hướng dẫn cho một số thanh niên tại địa phương, nhưng việc coi nghề là phương tiện sinh kế thì hết sức khó khăn, bởi nó mang nặng yếu tố năng khiếu và sản phẩm làm ra phải thực sự chất lượng.
Đối với chị Nguyễn Thị Thuận (phường Phú Thủy) hơn 20 năm qua vẫn còn duy trì và kiếm sống được với nghề này là nhờ có nguồn khách từ nước ngoài đặt. Chị Thuận cho biết, tranh hay lụa thêu tay ở nước ta rất được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao, yêu thích bởi chứa đựng những nét văn hóa, sự khéo léo của người làm thông qua những đường kim mũi chỉ. Thực tế cho thấy, một bức tranh hay lụa thêu nhìn đơn giản và chi tiết đơn giản nhưng phải mất cả tháng mới hoàn thành. Những sản phẩm hiện nay của chị Thuận có thể là mẫu được thiết kế riêng tại xưởng, cũng có thể theo mẫu bất kỳ mà khách hàng yêu cầu. Theo chị Thuận, những người trẻ muốn làm được nghề này phải hội đủ 3 yếu tố: Năng khiếu là tiên quyết rồi mới đến đam mê và cuối cùng phải rất cố gắng mới kiếm sống được bằng nghề trong thời đại hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, nghề thêu truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị mai một, khủng hoảng trong tương lai do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự dịch chuyển lao động từ nghề thêu thủ công truyền thống sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác… Mặc dù vậy, những người như chị Hồng, chị Thuận và những chị em khác vẫn yêu, tâm huyết và mong mỏi gìn giữ nghề như một nét đẹp của truyền thống.