Hộ đồng bào Chăm với sản phẩm "Bò một nắng Phan Hòa"

25/10/2024, 05:44

Bắc Bình vốn nổi tiếng với “thiếu mưa thừa nắng”, cùng với diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng, phát triển mạnh chăn nuôi gia súc. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng, tạo nên thương hiệu sản phẩm “Bò một nắng – xã Phan Hòa”, 1 trong 4 sản phẩm sẽ được UBND huyện tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vào tháng 11/2024. Trong đó, anh Bá Hữu Nhi (SN 1982), đồng bào Chăm tại thôn Bình Minh, xã Phan Hòa đang là người gắn bó với nghề chế biến sản phẩm này.

Gắn với nghề truyền thống

Dù ở thế hệ 8X, nhưng anh Nhi chia sẻ, gia đình đã gắn với nghề sản xuất nông nghiệp, chế biến bò một nắng khoảng 20 năm nay. Ở xã Phan Hòa, vợ chồng anh Nhi được biết đến là hộ gia đình chăm chỉ làm ăn giỏi với nguồn thu nhập chính từ nghề chế biến bò một nắng, trồng dừa bán trái, mở quán cà phê và tổ chức sự kiện.

66467b68aa30126e4b21.jpg
Anh Bá Hữu Nhi với sản phẩm "bò một nắng Phan Hòa".

Anh Nhi cho biết: Bắc Bình nói chung và xã Phan Hòa nói riêng có đặc điểm tự nhiên, khí hậu nắng nhiều, ít mưa. Cộng với đàn gia súc lớn, được bà con chăn thả và ăn cỏ tự nhiên là chính nên từ lâu, bò ở Bắc Bình đã được tiếng thơm ngon, chất lượng. Nắm bắt được lợi thế ấy, gia đình anh Nhi chia sẻ về sự thuận lợi của nghề chế biến bò một nắng ở đây. Theo đó, để có được sản phẩm đặc trưng, thơm ngon, khác biệt với nhiều vùng miền khác, anh Nhi luôn chọn loại thịt đùi, thịt thăn của bò tơ. Thịt tươi được “đặt hàng” riêng từ các lò mổ trên địa bàn để làm nguyên liệu chế biến, kết hợp với các loại gia vị như tỏi, ớt, tiêu, mắm, muối cùng bí quyết riêng để chế biến nên thịt bò rất mềm, thơm và ngon. Với bí quyết của anh Nhi, miếng thịt bò cắt phải hơi dày và phơi đủ 1 nắng tự nhiên từ sáng đến chiều mới ra thành phẩm, đảm bảo chất lượng thơm ngon.

Tận mắt chứng kiến anh Nhi thuần thục các thao tác khi cân, đóng gói sản phẩm bò một nắng, dán nhãn mác và hút chân không sản phẩm trước khi ra thị trường, chúng tôi cảm nhận được sự tâm huyết, gắn bó của anh đối với nghề này đã lâu năm. Anh Nhi cho biết, với sản phẩm có giá trị cao như bò một nắng, thị trường tiêu thụ cao điểm là dịp Tết Nguyên đán, được dùng làm quà tặng và sử dụng vào dịp năm mới. Thời gian bận rộn nhất của gia đình anh là vào khoảng từ 18 đến 20 tháng chạp hàng năm, mỗi ngày gia đình chế biến hàng tạ thịt tươi. Còn vào thời điểm hiện tại, do thời tiết mưa nhiều, không thuận lợi để phơi. Bên cạnh đó, thị trường chưa sôi động nên bình quân chỉ khoảng 20 kg thịt tươi mỗi ngày. Giá thành phẩm bò một nắng hiện nay được gia đình anh bán ra thị trường đang ở mức 650.000 đồng/kg.

59848aab5bf3e3adbae2.jpg
Sản phẩm "Bò một nắng - xã Phan Hòa".

Mong muốn sản phẩm đặc trưng vươn xa

Chủ hộ chia sẻ mong muốn, làm sao để sản phẩm và thương hiệu “Bò một nắng Phan Hòa” trong tương lai gần sẽ được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là mong muốn của chính quyền địa phương, khi sản phẩm bò một nắng gắn với thuận lợi về nguồn nguyên liệu hiện có tại huyện Bắc Bình. Nếu được phát triển mạnh, chắc chắn sẽ thúc đẩy hoạt động chăn nuôi gia súc tại vùng đất này ngày càng phát triển hơn, tăng thu nhập cho người dân trong huyện nói chung và đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn nói riêng.

Đáng chú ý, trong tháng 11/2024 UBND huyện Bắc Bình sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng 4 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2024, trong đó có sản phẩm “Bò một nắng – xã Phan Hòa”. Khi được chứng nhận OCOP, cùng với các thủ tục chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, tin rằng sản phẩm này sẽ góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực. Trong đó, hộ đồng bào Chăm như anh Bá Hữu Nhi càng mong muốn thương hiệu “Bò một nắng Phan Hòa” ngày càng vươn xa, hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại địa phương theo chuỗi giá trị.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Bình, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện trong 9 tháng đầu năm 2024 gồm đàn bò 57.230 con/55.550 con. Diện tích trồng cỏ 295/300 ha. Huyện đang duy trì 34 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có trang trại bò quy mô 200 con ở Sông Bình. Riêng xã Phan Hòa hiện có 2.230 con bò và 1.800 con dê, cừu.

K. HẰNG

Related articles
Tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719) góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tỉnh ta nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chương trình, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả.

(0) Comments
Focus
Giải cứu tài xế bị kẹt trong cabin xe tải sau vụ tai nạn trên cao tốc
BTO - Vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng nay giữa 2 xe tải khiến người bị thương. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã điều động cán bộ chiến sĩ lập tức đến hiện trường khẩn trương cứu người bị nạn trong tình trạng đầu xe tải lưu thông phía sau bị bẹp dúm biến dạng, 1 tài xế không thể thoát ra ngoài…
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hộ đồng bào Chăm với sản phẩm "Bò một nắng Phan Hòa"